Từ Thủ đô Hà Nội, theo Quốc lộ 1A hướng Ninh Bình khoảng 90km, du khách đến ngã ba Gián Khẩu. Từ đây, du khách rẽ vào đường đi huyện Nho Quan, qua thị trấn Nho Quan 2km rẽ trái ta sẽ đến Cúc Phương.
Được thành lập ngày 7 tháng 7 năm 1962, Cúc Phương là Vườn Quốc gia đầu tiên và là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Vườn có diện tích 22.200ha, nằm trên địa phận ba tỉnh Ninh Bình- Hòa Bình và Thanh Hóa. Cúc Phương là địa danh nổi tiếng về sự đa dạng loài trong hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có giá trị lịch sử - văn hó gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc Mường. Đó là những hang động tuyệt đẹp, kỳ vĩ, hoang sơ và bí ẩn như: Động Phò Mã Giáng, động Sơn Cung, động Vui Xuân, hang con Moong, động Người xưa gắn với nền văn hóa Sơn Vi cổ đại (cách đây khoảng 7000-12.500 năm)…Cúc Phương còn là nơi bảo tồn nhiều nguồn gien động thực, vật vô cùng quý hiếm. Cúc Phương hiện có hơn 2000 loài thực vật bậc cao thuộc 231 họ, 931 chi bao gồm 17 yếu tố địa lí, trong đó yếu tố Đông Dương chiếm ưu thế. Cấu trúc rừng Cúc Phương được phân 5 tầng rõ nét, trong đó tầng Vườn tán có cây cao từ 40-50m như chò chỉ, gội nếp, chò đãi, chò xanh. Tiêu biểu cây chò Ngàn năm tuổi, cao 45m, chu vi gốc 25m, 20 người ôm không hết…Cây Vù hương cổ thụ, cao 45m, đường kính 2,5m. Cây cổ thụ này thường xuyên tỏa mùi hương nhè nhẹ, bay theo chiều gió rồi lẩn quất vào tán rừng đại ngàn ẩm ướt. Cùng với cây chò, cây Vù hương ta còn bắt gặp cây Đăng cổ thụ cao 45m, có đường kính 5m. Gốc cây Đăng hàng trăm năm tuổi bành ra như những cánh quạt khổng lồ, rễ của nó kéo dài 20m, trên mặt đất.
Cùng với thảm thực vật hết sức đa dạng thì động vật ở đây cũng vô cùng kỳ thú, phong phú. Các loại động vật ở Cúc Phương thuộc 35 bộ, 120 họ, 659 loài. Trong đó, có 125 loài thú, 308 loài chim, 110 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá, gần 2000 loài côn trùng. Đặc biệt một số loài động vật đặc hữu chỉ có ở Cúc Phương như: Cá Niết hang, sóc bụng đỏ, báo gấm, báo lửa, báo ngựa…
Đến Cúc Phương không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ thú, những thảm thực vật, loài động vật đặc sắc, những hang động trầm tích ấn chứa biết bao di tích, di chỉ minh chứng các thời kỳ lịch sử nỗi tiếp nhau của người tiền sử. Đến với Cúc Phương hôm nay, chúng ta còn được đến với những khu bảo tồn nghiên cứu khoa học, Trung tâm cứu hộ thú Linh Trưởng “Trường học thiên nhiên” – khu bán hoang dã, Trung tâm bảo tồn Rùa Cúc Phương, vườn thực vật “Bộ sưu tập các loài cây”, nhà bảo tồn Hoa Lan và Trung tâm đưa đón du khách… Đặc biệt, du khách có thể đến với những bản Mường giàu truyền thống văn hóa, lễ hội và cuộc sống thật thanh bình, hạnh phúc.
Cách Trung tâm Vườn khoảng 16km, đi về phía Tây, du khách phải xuyên qua rừng già, vượt thung lũng, trèo đèo, leo dốc để đến với bản Khanh, thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Bản Khanh nằm trên dòng sông Bưởi thơ mộng, giữa rừng già nguyên sinh thanh bình.Bản có nhiều ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn dáng cao ngộ nghĩnh, những guồng nước quay mải miết đêm ngày dẫn nước vào ruộng. Thiếu nữ Mường vẻ mặt rạng rỡ, tươi tắn bên khung dệt thổ cẩm. Các cô thường mặc những chiếc váy thêu hoa sặc sỡ, tôn vinh thêm vẻ đẹp, vẻ yêu kiều, e thẹn của những cô sơn nữ.
Vào mùa lễ hội, bản Khanh rộn ràng, náo nức tiếng cồng chiêng vang vọng, lay động biết bao tâm hồn dân bản và du khách thập phương giữa chốn rừng sâu. Cùng với tiếng cồng chiềng là những điệu dân ca, tiếng khèn gọi bạn da diết, thổn thức quyện với men rượu cần khiến bao du khách bâng khuâng…Hãy cùng bà con dân bản ngủ lại một đêm, du khách sẽ được cùng chia sẻ, tham gia những hoạt động bình thường, những sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc Mường. Chắc chắn đó sẽ là những kỷ niệm đẹp, khó quên khi ta đến với Vườn quốc gia Cúc Phương huyền thoại./.
Lê Hữu Quế
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét