Ngứa là một cảm giác đòi hỏi phải được gãi theo bản năng. Ngứa có nhiều đặc điểm tương tự như đau và cả hai đều là những cảm giác không dễ chịu nhưng đáp ứng theo thói quen giữa chúng là khác nhau. Đau tạo ra phản xạ rút lui còn ngứa tạo ra phản xạ gãi.
Những sợi thần kinh không myelin của cảm giác ngứa và đau đều xuất phát từ da, tuy nhiên chúng chuyển thông tin về trung ương đến 2 hệ thống khác nhau đều dùng chung một bó sợi thần kinh ngoại biên và đường tủy sống-đồi thị.
Trong lịch sử, cảm giác ngứa và đau không được tách biệt độc lập với nhau cho đến gần đây khi mà người ta nhận thấy rằng ngứa có một số tính chất chung với đau nhưng nó cũng có những khác biệt rất rõ rệt. Cơ chế của ngứa hiện nay vẫn chưa được hiểu rõ mà lý do chính là thiếu động vật thí nghiệm.
Ở những động vật thí nghiệm, những kích thích ngứa gần như cho cùng một phản ứng với kích thích đau nhưng con người lại có đủ khả năng để ý thức được sự khác biệt giữa đau và ngứa. Do đó, hầu hết những thông tin về kích thích ngứa ngày nay có được là nhờ những nghiên cứu trên con người.
Nguyên nhân gây ngứa
Ngứa có thể gây ra bởi những bệnh ngoài da hay những bệnh ảnh hưởng đến toàn cơ thể (bệnh hệ thống). Những bệnh về da có thể gây ngứa nhiều bao gồm những bị nhiễm ký sinh trùng (như ghẻ ngứa, chấy rận, ve), bị côn trùng cắn, ong đốt, viêm da do dị ứng, hoặc viêm da do tiếp xúc. Những tình trạng này thường gây phát ban ở da.
Những bệnh hệ thống có thể gây ngứa bao gồm bệnh gan, suy thận, lymphoma, bệnh bạch cầu và một số bệnh về máu khác, và đôi khi còn có các bệnh như bệnh của tuyến giáp, đái tháo đường, ung thư. Tuy nhiên, ngứa ngáy do những bệnh trên thường không gây nổi ban ở da.
Một số loại thuốc cũng có thể gây ngứa, bao gồm barbiturate, morphine và aspirin cũng như bất kỳ thuốc nào dùng trên những người bị dị ứng.
Ngứa cũng thường xảy ra ở những tháng cuối của thai kỳ. Thường thì ngứa ngáy ở thai phụ không nói lên đuợc điều gì bất thường, nhưng nó có thể là kết quả của một vấn đề nhẹ ở gan.
Thông thường khi tiếp xúc với vải len hoặc các chất gây kích ứng da như mỹ phẩm hay những hóa chất hòa tan cũng có thể gây ngứa.
Da khô, thường gặp ở người già, cũng có thể gây ngứa nhiều ở diện rộng. Da khô có thể là kết quả của việc sống trong thời tiết lạnh hay tiếp xúc với nước kéo dài. Tắm bằng nước nóng thường làm tăng cảm giác ngứa nhiều hơn.
Hành động gãi chính bản thân nó cũng gây kích ứng da và làm cho ngứa nhiều hơn do đó tạo thành vòng lặp: ngứa-gãi-ngứa. Gãi nhiều có thể làm đỏ da và tạo ra những vết trầy xước sâu trên da.
Ở một số người, ngay cả việc gãi nhẹ nhàng cũng có thể làm nổi những vệt đỏ trên da có thể làm ngữa dữ dội hơn. Nếu gãi và chà xát da kéo dài có thể làm da dày lên và hóa sẹo.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tìm cách xác định nguyên nhân gây ngứa để loại bỏ nó. Thường thì nguyên nhân có thể thấy được một cách rõ ràng, chẳng hạn như vết cắn của côn trùng, hay chất độc.
Nếu ngứa ngáy kéo dài hơn vài ngày hay là xuất hiện và biến mất một cách thường xuyên mà không có nguyên nhân rõ ràng thì cần phải được khám và làm các xét nghiệm.
Nếu nghi ngờ dị ứng, cần phải làm test da.
Nếu nghi ngờ bệnh hệ thống, cần phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, mức đường huyết. Số lượng bạch cầu ái toan (một loại bạch cầu) cũng có thể được kiểm tra do nếu số lượng của chúng tăng có thể gợi ý đến một tình trạng dị ứng.
Đôi khi bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân ngưng một hoặc một vài loại thuốc để xem có bớt ngứa đi hay không. Sinh thiết, lấy một mẫu da để quan sát dưới kính hiển vi, cũng có thể giúp tìm ra nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân nhiễm trùng.
Điều trị
Cho dù bị ngứa bởi bất kỳ nguyên nhân gì cũng nên tắm nhanh và tắm ở nước lạnh hoặc ấm với rất ít hoặc không cần xà bông. Lau người nhẹ nhàng chứ không nên chà xát mạnh.
Nhiều người bị ngứa có thể cảm thấy thích thú với một số loại kem dưỡng ẩm bôi ngay sau khi tắm. Những loại kem này nên không có mùi và không màu do những chất thêm vào để tạo mùi hoặc màu có thể gây kích ứng da và cuối cùng là gây ngứa.
Ngón tay nên được cắt ngắn, đặc biệt là ở trẻ em, để làm giảm nguy cơ trầy da do gãi. Bao phủ vùng da bị ảnh hưởng bởi những chất dịu, chẳng hạn như bạc hà, khuynh diệp, calamin.
Uống thuốc kháng histamine cũng có thể có ích. Một số loại kháng histamine như hydroxyzine (ATARAX, VISTARIL), và diphenhydramine thường gây buồn ngủ và khô miệng do đó thường được dùng vào giờ ngủ.
Những loại kháng histamine khác như loratadine (CLARITIN) và cetirizine (ZYRTEC) thường không gây buồn ngủ. Thông thường những loại kem có chứa kháng histamine như diphenhydramine (BENADRYL, NYTOL, SOMINEX) không nên dùng vì chính bản thân chúng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Kem có chứa corticoid có thể làm giảm viêm và kiểm soát ngứa do đó có thể dùng nếu như ngứa giới hạn ở trong một khu vực nhỏ. Ngứa bởi một số lý do như do nhiễm độc cây thường xuân, có thể cần bôi kem có corticoid mạnh.
Tuy nhiên chỉ nên dùng corticoid nhẹ (như 1% hydrocortisone) khi bôi lên mặt do corticoid có tác dụng mạnh sẽ làm mỏng làn da nhạy cảm ở khu vực này. Ngoài ra, kem có chứa corticoid với dược tính mạnh được bôi ở những vùng rộng lớn trong một thời giandài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, do thuốc có thể thẩm thấu để đi vào máu. Đôi khi có thể dùng corticoid đường uống nếu bị ngứa ở một khu vực lớn.
Có thể cần phải điều trị đặc hiệu. Chẳng hạn như khi nấm, ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây ra ngứa, khi đó những loại thuốc điều trị cục bộ hay toàn thể có thể cần thiết. Những thuốc điều trị cục bộ thì chỉ cần bôi trực tiếp lên da. Những thuốc hệ thống thì cần phải dùng qua đường uống hoặc tiêm để có thể phân tán ra khắp nơi trên cơ thể.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét