Bệnh ngứa khác với… ngứa. Bệnh ngứa không thể gãi là xong, ngược lại càng gãi càng trầm trọng…
Các loại bệnh ngứa
Bệnh ngứa – đông y gọi là “dương phong” – có 2 loại: mang tính toàn thân và mang tính hạn chế.
Bệnh ngứa toàn thân có tính hệ thống, do sự thay đổi của thời tiết, các yếu tố lý hóa học, các loại đồ ăn thức uống không phù hợp hoặc bản thân da bị khô gây nên. Còn ngứa hạn chế có thể do ký sinh trùng, do chà xát tại chỗ… gây ra.
Với ngứa toàn thân – thường gặp ở người lớn. Lúc đầu bệnh chỉ phát sinh ở một vùng hạn chế, làm tổn thương da, rồi sau đó lan ra cả người, thường phát sinh một đợt, chủ yếu là vào ban đêm.
Bên ngoài có cảm giác bị bỏng, như côn trùng cắn, kiến bò… Người bệnh dễ bị xúc động, nhiệt độ thay đổi. Sự cọ xát của quần áo có thể làm bệnh phát thêm. Người mắc bệnh lâu có thể bị tổn thương da, một số người bệnh còn có các triệu chứng suy nhược thần kinh như đau đầu, mất ngủ, tinh thần phiền muộn, u uất.
Với chứng ngứa da có giới hạn thường xảy ra ở vị trí hậu môn, phần bên ngoài của bộ phận sinh dục nữ, cũng có thể gặp ở da đầu, cẳng chân, bên ngoài của tai. Nếu thường xuyên gãi, chà xát có thể dẫn đến các tổn thương kế phát như vùng da tại chỗ dày lên, nứt da…
Chữa ngứa
Theo lương y Quốc Trung, tùy theo thể mà dùng cách chữa khác nhau. Với thể phong thấp nhiệt – bệnh chỉ phát trong một thời gian tương đối ngắn, thường gặp ở người trẻ tuổi, hay xảy ra vào mùa hè. Khi ra mồ hôi hoặc thời tiết nóng, bệnh sẽ càng nặng thêm. Người bệnh bị khô đắng miệng, tâm trạng lo âu.
Phép trị là “Sơ phong thanh nhiệt trừ thấp”, dùng bài thuốc gồm: kinh giới 9g, thiền thoái 9g, phòng phong 12g, bạch tiêu bì 12g, sinh địa hoàng 25g, sinh thạch cao 30g (sắc trước), thổ phục linh 30g, vỏ bí đao 30g, ý dĩ 30g, sinh cam thảo 6g, sắc thuốc với nước, mỗi ngày một thang.
Vị thuốc phòng phong – Hà thủ ô
Với thể huyết phong táo – thường gặp ở người già, người thể trạng yếu. Lúc ngứa mà gặp lạnh hoặc thời tiết khô hanh thì bệnh càng trầm trọng hơn.
Da khô và bong vảy hoặc có thể kèm theo các triệu chứng như sắc mặt trắng bệch, đau đầu, mất ngủ, chóng mặt. Phép trị là “Dưỡng huyết trừ phong thuận táo”, dùng bài thuốc gồm: đương quy 12g, phòng phong 12g, ô đậu 12g, xuyên khung 9g, kinh giới 9g, thục địa 18g, bạch thược 15g, hà thủ ô, mạch đông 15g, mỗi ngày một thang.
Cách nấu các bài thuốc trên: cho các vị thuốc vào cùng 750 ml nước, sắc lại còn 250 ml, chia làm 3 lần dùng trong ngày.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét