Vảy nến là bệnh do rối loạn da, tạo nên những mảng lớn màu đỏ tía. Những mảng này dày, thường xuất hiện ở khuỷu, đầu gối và da đầu, khi cạo có hiện tượng tróc vảy. Vì sao da lại bị vảy nến và cách điều trị ra sao? BS Hoàng Văn Minh – Trưởng phòng khám Da liễu, BV ĐH Y Dược TP.HCM – tư vấn
Nguyên nhân
Hiện tại, người ta chưa biết chính xác nguyên nhân của bệnh vảy nến. Chỉ biết da trở nên đỏ và dày là vì các tế bào da tăng trưởng nhanh hơn bình thường. Do vậy, không có đủ thời gian để các tế bào tróc ra, nên chúng xếp chồng lên nhau tạo thành những mảng dày, tróc vảy.
Khoảng 1,5% – 2% dân số bị căn bệnh này. Bệnh có tính di truyền (cha hoặc mẹ bị bệnh thì 8,1% con bị bệnh. Cả cha và mẹ bị bệnh thì 41% con bị bệnh).
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đa số phát bệnh từ 20-30 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh vảy nến ở hai phái nam và nữ tương đương nhau.
Stress, chấn thương và nhiễm trùng có thể là nguyên nhân khiến bệnh trở nặng. Một số thuốc cũng làm bệnh xấu hơn bao gồm lithium, thuốc hạ áp (như ức chế beta, ức chế men chuyển), thuốc kháng viêm non-steroid (như ibuprofen).
Điều trị
Hiện vẫn chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng, thì có thể kiểm soát được bệnh.
Trước tiên, người bệnh cần phải giữ ẩm da và sau đó dùng các loại thuốc dạng kem, mỡ, dung dịch hay gel để bôi lên vùng da bệnh. Có thể bôi trước khi đi ngủ, bọc vùng da này lại bằng một tấm chất dẻo (ví dụ như Saran Wrap).
Nếu bệnh không đáp ứng được với các thuốc bôi, BS sẽ cho dùng thuốc uống hoặc tiêm. Với người bị vảy nến ở vùng da đầu, khi các loại dầu gội đặc biệt không phát huy tác dụng, BS sẽ sử dụng thuốc uống.
Một phương pháp điều trị khác là dùng tia cực tím. Ánh sáng mặt trời có tác dụng tốt trong điều trị bệnh vảy nến, nhưng không nên phơi nắng quá lâu, bởi nếu để da bị bỏng nắng, bệnh sẽ trở nặng. Vì vậy, nên dùng thuốc chống nắng trên những vùng da bình thường, đặc biệt là mặt.
Vảy sẽ tróc ngay sau khi bắt đầu điều trị. Phải mất khoảng hai – sáu tuần để những chỗ da dày trở lại bình thường (màu đỏ có thể mất đi sau vài tháng). Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng một loại thuốc nào đó, bệnh sẽ “lờn” thuốc. Lúc này, bác sĩ sẽ chuyển sang loại thuốc hay phương pháp điều trị khác.
Lưu ý
Vì vảy nến là một bệnh lý kéo dài nên bạn cần sẵn sàng cho việc điều trị dài hạn. Cần xây dựng một lối sống lành mạnh: không hút thuốc, hạn chế rượu, ngủ đủ giấc (sáu – tám giờ/ngày) và ngủ sớm, tập thể dục đều đặn ba lần/tuần, có chế độ ăn nhiều rau quả, giữ cân nặng và giảm cân nếu bị béo phì.
Tránh các yếu tố có thể làm bệnh trở nặng như: stress, chấn thương và nhiễm trùng. Người bệnh không nên dùng một số thuốc làm bệnh xấu hơn.
Phải thông báo cho BS về tất cả các thuốc, dược thảo, vitamine đang dùng, những phương pháp trị liệu đang áp dụng và những dị ứng thuốc hoặc tác dụng phụ với thuốc.
(Theo PNO)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét