Thiên nhiên trong "Nhật kí trong tù" của Hồ Chí Minh
28 thg 6, 2012
Xưa nay, thiên nhiên là đề tài rộng lớn và nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận trong thi ca, nghệ thuật, nhất là trong thơ ca phương Đông. Thiên nhiên có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống tinh thần của con người bởi nó là nơi gửi gắm, chia sẻ buồn vui, làm cho tâm hồn thêm thanh cao, trong sáng. Giống như các nhà thơ xưa, Hồ Chí Minh cũng dành cho thiên nhiên một tấm lòng ưu ái. Đúng như giáo sư Đặng Thai Mai đã nhận xét : “Trong “Nhật kí trong tù”, thiên nhiên chiếm một địa vị danh dự”.
Những bài thơ tả cảnh thể hiện rất rõ cảm hứng dạt dào của Bác trước thiên nhiên. Có bài chỉ vài nét phác họa đơn sơ, song cũng có bài như một bức tranh sơn mài lộng lẫy. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là vẻ đẹp phong phú, đa dạng của thiên nhiên.
Mặc dù thân thể bị giam cầm trong ngục tối nhưng trái tim nhạy cảm của Bác vẫn dễ dàng rung động trước một ánh nắng mai rọi chiếu nơi cửa ngục âm u :
Trong ngục giờ đây còn tối mịt,
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.
(“Buổi sớm”).
Hoặc giao cảm chan hòa với đêm trăng đẹp :
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
(“Ngắm trăng”).
Bác đã quên đi trong phút chốc cái hiện thực phũ phàng, nghiệt ngã chố lao tù để thảnh thơi mà “thưởng nguyệt” như cái thú thanh cao của thi sĩ muôn đời. Vẻ đẹp thiên nhiên ở đây giản dị mà độc đáo : ánh trăng soi qua khung cửa sổ nhà lao và trở thành tri âm, tri kỉ của người tù.
Cách ngắm trăng độc đáo có một không hai ấy thể hiện tâm hồn nghệ sĩ đa cảm và tinh tế. Trăng làm đẹp người, người làm đẹp trăng. Cái nhìn thi vị hóa của Bác khiến trăng thêm đẹp và vẻ đẹp của trăng làm cho tâm hồn Bác rung động sâu xa như tâm hồn thi sĩ. Giữa trăng với người có mối giao hòa đặc biệt.
Mặt trời, trăng sao, tiếng chim hót sớm mai, hương hoa hồng thoảng vào trong ngục…tượng trưng cho mơ ước, niềm vui, khát vọng tự do của người tù cộng sản Hồ Chí Minh. Đặc biệt là hình tượng mặt trời xuất hiện nhiều lần trong thơ Bác đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của niềm tin vào tương lai tươi sáng của Cách mạng, của cuộc đời. Trên đường chuyển lao, đi trong đêm khuya giá lạnh nhưng Bác vẫn vượt lên gian khổ để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên :
Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt đêm thu, trận gió hàn.
Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn, quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.
(“Giải đi sớm”)
Thiên nhiên trong “Nhật kí trong tù” đẹp đẽ và ấm áp tình người. Nó thực sự trở thành nguồn động viên, an ủi to lớn đối với người tù đặc biệt Hồ Chí Minh :
Mặc dù bị trói chân tay,
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng.
Vui say ai cấm ta đừng,
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu.
(“Trên đường đi”).
Có lúc, thiên nhiên hiện lên như những thử thách nghiệt ngã tưởng chừng khó có thể vượt qua : “Đi đường mới biết gian lao. Núi cao rồi lại núi cao trập trùng” (“Đi đường”). Hoặc đêm thu giá lạnh, gió quất ràn rạt từng trận, từng trận vào mặt “Người đi cất bước trên đường thẳm” (“Chiều tối”). Chiều tàn, Bác vẫn phải dẫn bước trên con đường núi quanh co, hiu quạnh, giữa thiên nhiên dữ dội và khắc nghiệt : “Gió sắc tựa gươm mài đá núi. Rét như dùi nhọn chích cành cây” (“Hoàng hôn”). Vượt qua tất cả những gian nan thử thách ấy, Bác trở nên con người vĩ đại.
Thiên nhiên muôn màu muôn vẻ luôn là người bạn song hành với Bác trong suốt cuộc đời. Bác đã dành cho thiên nhiên một vị trí xứng đáng trong tâm hồn và trong thơ mình. Đó cũng là biểu hiện của tình cảm phong phú cùng tấm lòng nhân ái mênh mông của người chiến sĩ – thi sĩ Hồ Chí Minh.
KĐH- ST
Tags:
Lớp 11,
Văn học,
Văn Học 11
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét