Hoảng sợ khi ngủ, hay hoảng sợ ban đêm là những cơn hoảng sợ và sợ hãi tột độ về ban đêm kết hợp với phát âm to, vận động mạnh và có hoạt động thần kinh tự trị tăng cao như mạch nhanh, thở gấp, đồng tử giãn, vã mồ hôi. Trẻ ngồi hoặc đứng dậy, kêu thét một cách sợ hãi, thường là trong một phần ba đầu của giấc ngủ đêm, đôi khi lao ra cửa như cố gắng chạy trốn, mặc dù rất hiếm khi chạy ra khỏi phòng. Các cơn tái diễn điển hình kéo dài 1- 10 phút và vào lúc thức thì trẻ hoàn toàn không nhớ gì các sự kiện xảy ra trong cơn đó. Trong cơn hoảng sợ trẻ không đáp ứng tương đối với cố gắng của người khác nhằm tác động lên hiện tượng hoảng sợ khi ngủ. Các cố gắng này hầu như luôn gây ra mất định hướng và định hình lại phải mất nhiều phút.
Hoảng sợ khi ngủ cũng như nhiều trạng thái rối loạn giấc ngủ khác thường có yếu tố bệnh sinh. Theo các nghiên cứu thì bệnh này có sự liên quan chặt chẽ giữa nguyên nhân di truyền từ cha mẹ tới con cái. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy có quan hệ giữa các giai đoạn phát triển. Có ý kiến cho rằng chứng hoảng sợ là do sự chưa ổn định chu kỳ thức ngủ của não, bên cạnh đó có thể do động kinh... Các nghiên cứu cũng cho thấy, hoảng sợ ban đêm có thể do nguyên nhân từ các sang chấn tâm lý, những bất ổn về đời sống, là biểu hiện của sự lo âu, chia ly, những khó khăn trong giai đoạn đầu đi học, căng thẳng trong những bất hòa mối quan hệ gia đình.
Làm gì khi trẻ hoảng sợ khi ngủ
Trong trường hợp như vậy, người lớn nên giữ im lặng, không cần đánh thức cháu dậy. Chỉ một lát sau, cháu sẽ bình tĩnh và đi ngủ trở lại. Buổi sáng khi thức giấc, cháu đã quên hết tất cả mọi việc đã xảy ra .
Nếu cháu thức dậy, nên lại ngồi gần, cầm tay cháu và hỏi cháu bằng giọng bình tĩnh. Nếu cháu muốn kể về nội dung giấc mơ, hãy để cho cháu kể hết. Nếu cháu muốn bật đèn, nên hé cửa để đèn nơi khác chiếu vào phòng, hoặc bật ngọn đèn đêm. Không cần ánh sáng chói.
Không nên la mắng hoặc chế giễu, cho cháu là nhút nhát, làm cháu càng sợ hơn. Không nên vì thế mà đưa cháu sang ngủ chung với người lớn. Làm như vậy, cháu bé sẽ quen và thấy ngại ngủ một mình.
Hãy tìm nguyên nhân những giấc mơ
- Trẻ em ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi thường có những giấc mơ ngắn. Những giấc mơ đó có tác dụng làm thần kinh các cháu thư giãn, làm mờ đi trong tn óc bao nhiêu hình ảnh và hoạt động cháu đã nhìn thấy xung quanh trong cả một ngày. Nhưng nếu cháu mê sảng luôn và có vẻ sợ buổi tối thì phải tìm nguyên nhân. Nhiều khi, nguyên nhân rất bình thường như: giường chật quá, bộ quần áo cháu mặc khi đi ngủ bó sát vào người quá, hoặc cháu bị nóng, bị tức ngực vì đắp quá nhiều chăn. Có khi lại là bữa cơm chiều ăn quá no hay vừa coi một chuyện đáng sợ trên tivi. Ðôi khi, cháu phải mang theo một nỗi lo sợ vào giường ngủ vì bố mẹ đã ra lệnh: "Cấm được đái dầm?". Cháu sợ khi thức dậy, bị anh chị em chế diễu v.v...
Nếu bạn đã chú ý tránh gâcho cháu mọi điều xúc động hoặc ảnh hưởng như trên mà cháu vẫn tiếp tục mê hoảng và sợ buổi tối, thì nên nói với bác sĩ để chữa trị cho cháu bằng phương pháp tâm lý.
Người lớn nên hiểu theo các trẻ nhỏ về buổi tối như sau: buổi tối phải xa cách mọi người - nếu cháu ngủ một mình - buổi tối đáng sợ hãi, mọi vật sẽ biến đi vì không trông thấy, kể cả nét mặt thân yêu của bố mẹ sẵn sàng bảo vệ cháu lúc ban ngày. Dùng thuốc không chữa trị được tận gốc hiện tượng mơ hoảng của trẻ em. Cần có sự săn sóc và tình cảm của các người thân cùng sự cộng tác của các chuyên gia tâm lý.
Hoảng sợ khi ngủ là một tình trạng rối loạn giấc ngủ trẻ em. Chính vì thế, việc đầu tiên là phải được chẩn đoán chính xác. Các bậc phụ huynh thấy con em có những dấu hiệu bất thường như mô tả ở trên, thì cần phải đưa trẻ đến khám tại các trung tâm sức khỏe tâm thần trẻ em. Tại đó, các bác sĩ chuyên khoa và các nhà tâm lý lâm sàng sẽ chẩn đoán chính xác và xác định nguyên nhân cụ thể trước khi điều trị. Việc điều trị phối hợp giữa hóa dược và liệu pháp tâm lý là rất cần thiết nếu trẻ không có những nguyên nhân thực thể. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần thực hiện các phương pháp sau để giúp trẻ ngủ tốt hơn:
- Trước khi trẻ đi ngủ nên tạo không khí yên tĩnh, êm đềm như: Để ánh sáng đèn ngủ mức nhẹ, tắt tivi, đài... không để trẻ đùa nghịch nhiều... có thể mở bản nhạc hoặc bài hát âm điệu du dương... Hướng dẫn trẻ tập thư giãn trước khi ngủ bằng cách giãn mềm cơ bắp, hít thở kiểu bụng êm, chậm, sâu, đều.
- Gia đình nên có những biện pháp phòng ngừa tổn thương có thể xảy ra với trẻ như: Không cho trẻ ngủ giường cao hoặc không để vật sắc nhọn dễ vỡ gần giường ngủ, đóng cửa lối đi cầu thang, cửa nhà, cửa sổ thấp.
- Khi trẻ bị cơn hoảng sợ nên an ủi, dỗ dành, nhẹ nhàng đặt trẻ vào giường.
- Nếu trẻ bị rối loạn giấc ngủ thường xuyên, cha mẹ nên ghi chép thời gian trẻ bị “cơn” trong 7 đêm liên tục, sau đó chủ động đánh thức trẻ tỉnh dậy trong vòng 5 phút trước “cơn” vẫn thường bị 15 phút, rồi mới cho trẻ ngủ tiếp.
BS. Lê Minh Công
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét