Bệnh tổ đỉa là một dạng đặc biệt của eczema. Eczema gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em còn gọi là chàm thể tạng. Vị trí tổn thương gặp bất kỳ nơi nào trên da. Nếu tổn thương xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón tay, ngón chân thì được gọi là eczema bàn tay, bàn chân hay bệnh tổ đỉa (pompholyx/dyshidrosis). Vậy tổ đỉa là một thuật ngữ để chỉ bệnh chàm/eczema bàn tay, bàn chân.
Bệnh tổ đỉa hay tái phát vào mùa hè, phát theo tuần trăng, ngứa nhiều khiến bệnh nhân phải gãi nên việc điều trị rất khó khăn.
Điều trị bệnh tổ đỉa cũng như điều trị bệnh chàm: Tại chỗ bôi thuốc theo từng giai đoạn của bệnh như thuốc nước, thuốc hồ và thuốc mỡ, kèm theo uống thuốc kháng histamin để giảm ngứa. Dùng thuốc kháng sinh nếu có bội nhiễm. Người bệnh cố gắng hạn chế gãi vì gãi là yếu tố tác động làm tăng tiết histamin tại chỗ, là căn nguyên chính gây nên ngứa của bệnh chàm.
Bệnh tổ đỉa là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh nhân phải biết giữ gìn để đề phòng tái phát. Khi thấy ngứa tại các vị trí cũ phải đến khám chuyên khoa da liễu ngay để điều trị kịp thời, bệnh nhanh khỏi, chi phí ít.
Thuốc dùng trong giai đoạn chàm cấp:
- Dung dịch jarish đắp lên thương tổn cho đến khi hết chảy nước.
- Dung dịch castellani/ xanh metylen bôi lên tổn thương khi có bội nhiễm.
- Toàn thân cho uống kháng histamin (loratadin, citirizin, telfast…) và kháng sinh phòng bội nhiễm. Nếu tình trạng nặng có thể dùng corticoid liều thấp dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc dùng trong giai đoạn chàm bán cấp:
- Hồ tetrapred hoặc hồ nước bôi tại chỗ cho đến khi đỡ đỏ, đỡ phù nề. Có thể kết hợp với thuốc kháng sinh có corticoide (dạng kem bôi) như fusicort, fobancort, supricort-N.
Toàn thân tiếp tục uống kháng histamin và uống kháng sinh khi có bội nhiễm.
Thuốc dùng trong giai đoạn chàm mạn:
Bôi các loại mỡ corticoide như: eumovate, dermovate, flucinar, lorinden hoặc bôi thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus (FK 506/ protopic), kết hợp với một số thuốc làm ẩm da như physiogel cleanser, cetaphyl, skincare-U.
Toàn thân vẫn tiếp tục uống kháng histamin và một số sinh tố C, A, E. Nếu tổn thương lâu ngày, phải đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
(TheoThS. Bs. Đỗ Xuân Khoát – Sức khỏe & Đời sống)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét