Tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ) là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba sau ung thư và tim mạch. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tổng số các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thì có đến 24% tử vong, 50% sống nhưng bị các di chứng nặng hoặc nhẹ, chỉ có 26% số bệnh nhân sống và trở lại làm việc bình thường.
Thông thường tai biến mạch máu não hay gặp ở người cao tuổi và những người càng cao tuổi càng dễ bị nhưng các thống kê gần đây ở một số bệnh viện tỉnh, thành cho thấy số người trẻ dưới 50 tuổi bị tai biến mạch máu não đã tăng lên đáng kể.
Những người có các yếu tố sau sẽ dễ bị tai biến mạch máu não:
- Bị tăng huyết áp: Đây là nguyên nhân chủ yếu và thường gặp nhất.
- Bị bệnh đái tháo đường.
- Bị các bệnh tim.
- Thừa cân béo phì.
- Bị các bệnh nhiễm khuẩn.
- Hút thuốc lá, uống rượu.
- Ăn nhiều muối.
- Trong nhà có người bị (bố, mẹ, anh em…)
Triệu chứng của tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não thường không có dấu hiệu sớm mà khi có biểu hiện lâm sàng thì bệnh đã muộn và sẽ tiến triển rất nhanh. Tai biến mạch máu não có các thể khác nhau (thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết não) nhưng thường có những triệu chứng chính sau:
- Nhức đầu.
- Nôn, có thể có sốt.
- Giảm thị lực hoặc có thể mù.
- Rối loạn cảm giác nửa người: Tê bì, kiến bò, cảm giác nặng, mất nhận biết… vị trí điển hình là ở tay, mặt.
- Rối loạn ngôn ngữ, khó nói.
- Liệt nửa người…
Biến chứng và hậu quả của tai biến mạch máu não
Như đã nói ở trên, tai biến mạch máu não thường dẫn đến tử vong hoặc để lại các di chứng nặng nề cho người bệnh như liệt nửa người, mất trí nhớ… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Cách điều trị tai biến mạch máu não
Nguyên tắc cơ bản trong điều trị tai biến mạch máu não là phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tích cực. Tuỳ từng thể và mức độ bệnh khác nhau mà có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa. Khi đã qua giai đoạn cấp (giai đoạn ổn định) cần tích cực phục hồi chức năng, điều trị dự phòng táI phát.
Cách phòng bị tai biến mạch máu não
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Tai biến mạch máu não là bệnh dự phòng có kết quả bằng các biện pháp chống các yếu tố nguy cơ trong cộng đồng, nhất là chống huyết áp cao bằng cách:
- Giữ huyết áp ở mức bình thường.
- Duy trì cân nặng hợp lý (BMI 18,5 – 23).
- Chế độ ăn giảm mỡ, giảm các chất béo.
- Hạn chế ăn mặn.
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi.
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế uống rượu bia.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn.
- Có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh tim mạch.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc…
(Theo Tuổi trẻ)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét