Có thể chữa trị hắc lào bằng một số cách dân gian hoặc theo phương pháp của tây y.
Chữa hắc lào theo một số cách trong dân gian
- Dùng quả chuối tiêu xanh (còn có tên là chuối lùn, chuối và) xắt từng lát. Rửa sạch chỗ có hắc lào, cạo da rồi xát chuối xanh lên để cho vết hắc lào có mủ chuối tự khô.
- Lấy một lượng lớn rau sam rửa sạch, sắc đặc, gạn lấy nước cốt nấu với sáp ong, khi sáp ong chảy ra thì cho nhỏ lửa, cô thành cao, dùng cao này phết lên vết hắc lào.
- Lấy 12 gr bột long não, 100 gr rễ húng chanh giã nhỏ. Trộn thật đều hai vị trên rồi vắt một quả chanh vào thuốc này để bôi hằng ngày lên các vết hắc lào.
- Đốt mảnh gáo dừa rồi lấy nhựa bôi vào vết hắc lào.
- Hạt thảo quyết minh (muồng) 100 gr, khế chua 2 quả, 10 lá trầu, tất cả rửa sạch, giã nhuyễn bọc vào vải mùn, xát lên vết hắc lào.
Điều trị hắc lào bằng thuốc nam
Bồ kết 12 g, phèn chua 20 g, thêm nước, đun sôi, để nguội rồi tắm. Sau khi lau khô người, bôi thuốc vào chỗ da bị tổn thương.
Các thuốc bôi bao gồm:
- Vỏ cây đại tươi 50 g; củ chút chít 50 g; cồn 70 độ 100 ml. Hai vị thuốc rửa sạch, giã nát, ngâm vào cồn 7 ngày, dùng bôi vào chỗ hắc lào ngày 1-2 lần.
- Hạt muồng châu tươi 20 g; hạt bồ kết tươi 12 g. Tất cả giã nát, ngâm vào 100 ml cồn 70 độ trong 7 ngày, dùng dung dịch bôi chỗ hắc lào ngày 1-2 lần.
- Rễ, cành, lá cây kiến cò 50 g giã nát, ngâm vào 100 ml cồn 70 độ trong 7 ngày. Dùng dung dịch trên bôi 1-2 lần lên chỗ hắc lào.
- Rễ cây bạch hoa xà (bỏ lõi) 100 g ngâm trong 20 ml cồn 90 độ. Sau 7 ngày thì lấy bôi 1-2 lần lên chỗ hắc lào.
Chữa hắc lào theo tây y
Nhiều loại thuốc bôi cổ điển đã được pha chế sẵn như Antimycose, BSA, ASA, BSI… có tác dụng tốt nhưng gây lột da nhiều, đau rát, để lại màu đen trên da như sạm da hoặc gây biến chứng tương tự thuốc dân gian.
Gần đây có nhiều loại thuốc kháng nấm mới có thể dùng tại chỗ hay uống. Thuốc bôi có dẫn xuất của Imidazole như Econazole, Miconazole, Clotrimazole… bôi 2 lần trong ngày. Đặc biệt ketoconazole chỉ cần bôi 1 lần trong ngày. Những thuốc này có ưu điểm là không có màu, mùi thơm, không gây lột da, viêm tấy, nhưng có thể gây dị ứng nhẹ.
Tuy nhiên dị ứng này sẽ giảm và hết khi ngưng bôi thuốc hay dùng thuốc chống dị ứng. Trong trường hợp nấm tái phát nhiều lần hay nhiều vị trí, thường sử dụng thuốc uống như Griseofulvin, Ketoconazole (Nizoral), Itraconazole (Sporal), Fluconazole… tuy nhiên cần cẩn thận khi sử dụng thuốc chống nấm toàn thân do thuốc có tác dụng phụ.
Thuốc được sử dụng hạn chế ở những người có bệnh nội khoa mãn tính như gan, thận…. Khi phối hợp với các thuốc khác cần phải thận trọng có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, do có thể có những biến chứng nặng nề.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét