Người thân tôi 51 tuổi, mổ sỏi thận từ năm 1998. Khi đó, thầy thuốc nói nên cắt túi mật vì nếu chỉ mổ để thông thì sẽ phải mổ lại, nguy hiểm hơn. Khi ra viện, người nhà tôi được dặn là về nhà ,nếu thấy vàng mắt, vàng da thì đến mổ lại.
Sau đó, tuy không thấy hiện tượng trên, nhưng cho đến tận bây giờ, có hiện tượng khó tiêu, mỗi bữa chỉ ăn một chén cơm, đi ngoài phân sống, da dẻ không có sắc hồng mà trắng bệch. Xin hỏi người nhà tôi phải làm gì để bảo vệ sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ? (Nguyễn Trung Trực)
Sỏi đường dẫn mật (bao gồm sỏi ở ống mật chủ, túi mật và trong gan) là một cấp cứu ngoại khoa hay gặp ở nước ta. Nếu sỏi túi mật có biến chứng hoại tử túi mật thì mổ cắt túi mật tốt hơn là mổ lấy sỏi rồi mở thông (dẫn lưu).
Lý do là nếu để túi mật lại rất hay bị tái phát sỏi và là ổ nhiễm khuẩn, thủng túi mật và nguy cơ ung thư phát triển. Nếu sỏi ở ống mật chủ, nhất là ở đoạn cuối do sỏi gây tắc và chít hẹp thì phải mổ nối mật với ruột. Người nhà bác được mổ cắt túi mật, nối mật vào ruột là đúng, còn những triệu chứng hiện nay có thể là do bị viêm túi mật và chít hẹp ống mật chủ do sỏi.
Sau mổ, sỏi mật rất hay bị tái phát vì các lý do: Nhiễm trùng, kết tủa muối mật và cholesterol. Khi bị tái phát, nếu sỏi còn nhỏ, di động được thì có thể chưa có triệu chứng gì trầm trọng. Nhưng khi sỏi gây biến chứng như tắc, nhiễm trùng thì sẽ có triệu chứng điển hình: đau hạ sườn phải, sốt, vàng da vàng mắt.
Ngoài ra còn các dấu hiệu như rối loạn tiêu hoá, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, nếu da và niêm mạc vàng tăng thì người gầy sút nhanh. Sỏi tồn tại lâu sẽ đưa đến tình trạng xơ gan, cổ trướng ứ mật. Nếu tình trạng vàng mắt, vàng da đã xuất hiện thì đã xảy ra tình trạng tắc đường mật, lúc này mới can thiệp mổ lại thì đã muộn, điều trị khó khăn hơn.
Người nhà bác chưa thấy tình trạng vàng da, vàng mắt thì không có nghĩa là sỏi chưa tái phát. Ngoài ra, ăn khó tiêu, đi ngoài phân sống, da trắng bệch thiếu sắc hồng là những triệu chứng do mật và tuỵ bị ảnh hưởng nên không góp phần vào tiêu hoá thức ăn. Vì vậy, người nhà bác cần đi khám sớm, siêu âm gan mật, thăm dò chức năng gan tụy để có kế hoạch phòng, điều trị sớm.
Để phòng sỏi tái phát và hỗ trợ cho tiêu hoá, cần chú ý:
- Không ăn các chất có nhiều cholesterol như mỡ động vật, sữa, trứng, thịt rán, thịt hun khói… Giảm thức ăn có gia vị cay chua. Kiêng rượu bia và thuốc lá.
- Tăng cường ăn rau, quả, đạm thực vật (đậu các loại).
- Nếu xét nghiệm thấy có cholesterol tăng cao trong máu thì cần điều trị để hạ xuống. Tránh để bị nhiễm khuẩn đường ruột.
- Dùng gần như thường xuyên thuốc lợi mật như artichaut (chophyton, artichaut…), sorbitol.
- Thuốc làm tan sỏi: chenodesoxy cholique, chenolite, rowachol…
- Cần có chế độ thể dục và tập luyện hợp lý.
BS Phạm Văn Thọ
(Theo Suckhoedoisong.vn)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét