Một nghiên cứu mới cho thấy chất thử nghiệm selumetinib mang lại những kết quả đầy triển vọng cho những người bị ung thư đường mật giai đoạn muộn.
Ung thư đường mật là bệnh lý nguy hiểm
Selumetinib ức chế protein MEK – là protein cần cho tế bào ung thư tăng sinh và sống sót. Ung thư đường mật là bệnh ác tính của các tế bào nội mạc đường mật và túi mật. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 100.000 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh, chiếm 15-20% tổng số trường hợp ung thư gan. Phần lớn bệnh nhân ở vào giai đoạn muộn của bệnh, có hậu quả xấu.
Nhà nghiên cứu chính – TS. Tanios Bekaii-Saab – giám đốc y khoa về ung thư đường tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Bệnh viện Ung thư James và Viện Nghiên cứu Solove cho biết: “Bệnh ác tính này không có tiêu chuẩn điều trị tốt”. “Nghiên cứu đã cung cấp một lý do căn bản để phát triển chất này trong các thử nghiệm lớn hơn, có thể kết hợp với thuốc khác, hi vọng cho phép chúng tôi thiết lập một tiêu chuẩn điều trị mới đối với ung thư đường mật trong tương lai gần”. Selumetinib thuộc nhóm thuốc ức chế protein kinase. Chất này ức chế chọn lọc protein kinase MEK1 và MEK2. Nó là một phần của đường truyền tín hiệu, thường phá hủy tế bào ung thư đường mật. Thử nghiệm cho thấy 1 bệnh nhân có đáp ứng hoàn toàn (khối u co lại cho tới khi không thể phát hiện ra) và 2 bệnh nhân co nhỏ một phần khối u. Ở 17 bệnh nhân, khối u ngừng phát triển. Tình trạng bệnh ổn định kéo dài tới 16 tuần ở phần lớn các trường hợp. Trung bình, các bệnh nhân đã không tiến triển ung thư trong 3,7 tháng, mặc dù thực tế gần 40% số bệnh nhân đã từng điều trị trước khi dùng selumetinib (những khối u này có xu hướng kháng điều trị nhiều hơn). Bệnh nhân dùng thuốc đã tăng cân trở lại – trung bình khoảng 4kg, bao gồm cả những bệnh nhân có khối u không đáp ứng với thuốc.
Những bệnh nhân thiếu một protein đích pERK dường như không đáp ứng với thuốc, cho thấy thuốc không có tác dụng nếu protein này không có trong tế bào ung thư. Bakaii-Saab cho biết thêm: “Phát hiện này gợi ý trong tương lai chúng ta có thể phát hiện những bệnh nhân dễ đáp ứng nhất với thuốc”.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét