Bệnh mụn trứng cá là một căn bệnh ngoài da khá phổ biến ở các bạn trẻ, cả nam và nữ. Bệnh rất dễ phát hiện khi trên da mặt, da vùng cằm và nhiều khi ở cả vùng ngực nổi lên nhiều cục nhỏ có màu thâm đen và trắng kèm theo da bóng nhẫy do tiết quá nhiều chất nhờn. Bệnh thường gặp ở bạn trẻ, bắt đầu khi bước vào tuổi dậy thì và có thể kéo dài trong nhiều năm nữa.
Tỷ lệ mắc bệnh mụn trứng cá thường khá cao và có liên quan đến di truyền. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng song làm mất đi nét đẹp trên khuôn mặt, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý mỗi người.
Nguyên nhân
- Do sự bài tiết quá mức của một tuyến nằm ở lỗ chân lông gọi là tuyến bã. Bình thường, tuyến này tiết ra một lượng chất nhờn ở mức độ vừa phải để bôi trơn da và chống bốc hơi tạo cho da mềm mại, không bị khô ráp.
Tuyến này họat động phụ thuộc nhiều vào lượng nội tiết tố sinh dục nên khi bước vào tuổi dậy thì, do có một sự đột biến về các chất hormon, đã làm cho tuyến bã trở nên đa tiết.
- Khi các lỗ chân lông bị bít lại do nhiều nguyên nhân, các chất nhờn không được thông thoát dễ dẫn đến nhiễm trùng và gây ra những mụn mủ nhỏ, khi nặn sẽ được một cục nhỏ, lõm sâu.
- Các chất bẩn và tế bào da bị chết có cơ hội đọng lại và gây ra các nốt đen. Vùng da xung quanh bị viêm nhiễm sẽ có màu đỏ làm cho bộ mặt người bị trứng cá trở nên khó coi.
Điều trị
Hiện đã có nhiều loại thuốc điều trị mụn trứng cá đem lại hiệu quả tốt có thể sử dụng như Oxy 5, Oxy 10… Nếu các mụn trứng cá bội nhiễm nặng có thể dùng thêm kháng sinh. Tuy nhiên, bên cạnh việc dùng thuốc cần vệ sinh vùng mặt sạch sẽ cùng với chế độ ăn uống hợp lý.
Các loại thuốc có Corticoid, Vitamin B12, thuốc ngừa thai… đều làm nặng thêm bệnh trứng cá. Vì thế, bạn cần dừng ngay viẹc dùng thuốc khi điều trị bệnh trứng cá.
TS. Kiều Khắc Đôn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét