Thỉnh thoảng, anh Hưng (40 tuổi, Hà Nội) lại thấy da bị phù và rất ngứa, lúc ở mặt, mí mắt, môi, thậm chí ở cả ‘của quý’. Đi khám, anh mới biết mình bị mày đay vì dị ứng với cua đồng.
Lúc đầu, thấy da phù, càng gãi càng ngứa, anh Hưng nghĩ mình chỉ bị dị ứng bình thường, uống thuốc vào là khỏi. Thế nhưng suốt 6 tháng, cứ thỉnh thoảng anh lại thấy các nốt phù nổi lên rồi lại lặn sau vài giờ. Sau này, bác sĩ cho biết nguyên nhân là do anh ăn cua đồng, không ăn nữa thì khỏi.
Câu chuyện trên được bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương kể lại bên lề hội thảo về bệnh mày đay sáng nay, tại Hà Nội.
Ông Thành cho biết mày đay là một dạng của bệnh dị ứng. Da của người bệnh thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào, kích thước to nhỏ khác nhau. Sẩn nổi trên mặt da, có thể hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, khi lặn đi thường không để lại dấu vết gì.
“Đa số người bệnh thường cảm thấy rất ngứa, cũng có trường hợp chỉ cảm giác châm chích hoặc rát bỏng. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và hay tái phát. Mỗi ngày có 10-20 người đến khám vì bị bệnh này ở Bệnh viện Da liễu Trung ương”, ông Thành cho biết.
Theo ông, mày đay thường không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi chỉ là biểu hiện ngoài da, nhưng làm bệnh nhân khó chịu. Bệnh dễ phát hiện vì có biểu hiện rõ ràng nhưng lại khó chữa vì khó xác định nguyên nhân. Tùy cơ địa, mỗi người có tác nhân gây bệnh khác nhau, có thể do phấn hoa, bụi, thuốc, hải sản, rượu bia, sơn… “Chỉ cần tránh tác nhân gây mày đay là sẽ không bị bệnh nữa”, ông Thành nói.
Các chuyên gia da liễu khuyến cáo, khi da có biểu hiện sẩn, phù, người dân nên ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng, hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da. Bạn có thể áp lạnh hoặc tắm lạnh, tránh tắm nóng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, mặc quần áo cotton nhẹ nhàng, tránh các hoạt động nặng hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét