Bạch biến là những đốm trắng trên da với những kích thước và vị trí khác nhau. Việc xuất hiện các đốm trắng bất thường trên da ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ và ám ảnh nặng nề tâm lý. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, nhưng hay gặp nhất ở tuổi thanh niên.
Những đốm da mất sắc tố
Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được làm rõ. Bác sĩ Trần Ngọc Ánh, Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho rằng bệnh liên quan tới quá trình tự miễn làm phá hủy các tế bào sinh sắc tố (tế bào sắc tố). Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò khá quan trọng vì khoảng 30% bệnh nhân bạch biến có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh. Bệnh đặc trưng bởi những đốm, đám tròn mất sắc tố, có giới hạn rõ rệt với vùng da lành. Các đốm trắng xuất hiện khi các tế bào sắc tố bị hủy diệt và melanin không còn được tạo ra. Các tế bào sắc tố thường tồn tại khắp các vùng da và có trong các nang lông, trong miệng, mắt…
Vùng da thương tổn bị mất sắc tố đều nên có màu trắng đều, cũng có trường hợp trên nền trắng có những chấm màu nâu. Kích thước của vùng da bị tổn thương thay đổi rất nhiều; lúc đầu xuất hiện chấm trắng, sau đó lan rộng loang lổ, có thể lan rộng hầu hết mặt da của cơ thể. Lông, tóc trên vùng da bị bệnh thường có màu trắng.
Ngoài ra, các trường hợp bị tổn thương như sau khi bị phỏng, các tế bào sắc tố cũng có thể bị hủy hoại, gây ra bạch biến. Các trường hợp khác như các vết rạn da, sẹo mụn trứng cá, sẹo tổn thương hoặc sẹo sau phẫu thuật… cũng có thể gây ra việc mất sắc tố tương tự.
Dễ mắc – khó chữa
Bệnh tiến triển không theo quy luật, rất khó đoán trước, thường không biết bệnh khởi phát khi nào. Nó có thể xuất hiện ngay sau một chấn thương tinh thần hoặc chấn thương thể chất nặng. Tổn thương thường tăng lên vào mùa hè, giảm đi vào mùa đông hoặc ổn định lâu dài. Ngoài ra, bệnh cũng có tỉ lệ tự khỏi khoảng 15%-30%. Theo bác sĩ Trần Ngọc Ánh, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh bạch biến nhưng cũng có một số biện pháp điều trị đã được áp dụng, cho hiệu quả khác nhau giữa các bệnh nhân.
Công nghệ mới nhất của thế giới chữa mất sắc tố bao gồm việc sử dụng phương pháp quang trị liệu (tia UVA hoặc UVB), kết hợp cùng lúc với việc dùng thuốc thoa, thuốc uống… Bệnh nhân dùng quang trị liệu phải tuân thủ đúng thời gian phơi nắng hoặc chiếu tia, uống thuốc vào thời điểm thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, sẽ thực hiện phẫu thuật ghép da hoặc cấy tế bào sắc tố…
Tuy nhiên, việc ghép da chỉ được thực hiện khi bệnh nhân được xác định những đốm trắng đã ổn định, không còn phát triển trong thời gian dài khoảng từ 1 năm. Trong điều trị bạch biến, bệnh nhân phải kiên trì điều trị. Không nên quá lo lắng, bi quan vì điều này có thể khiến bệnh nặng thêm và giảm hiệu quả điều trị.
Để trị liệu các trường hợp mất sắc tố này, hiện nay, về mặt thiết bị, máy chiếu tia Harmony với chùm tia UVB thuộc dạng xung ngắn, bước sóng từ 295 – 350 nm, là hệ thống quang trị liệu phù hợp nhất vừa được áp dụng tại TPHCM.
(Theo Người Lao Động)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét