Chắp lẹo thường tái đi tái lại nhiều lần với biểu hiện cộm hoặc ngứa mí mắt rồi bờ mi mắt sưng đỏ, sau vài hôm có thể thành mủ, nếu không được điều trị sẽ vỡ mủ và để lại sẹo xấu. Đông y chữa chắp lẹo bằng nhiều biện pháp xử trí như chích lể, giác…
Chích lể huyệt phế du
Nếu có điều kiện, nên dùng kim tam lăng. Đây là loại kim đầu nhọn có ba cạnh vát nên khi chích nhẹ vào huyệt sẽ rất dễ dàng nặn được máu. Huyệt phế du được xác định khi tay bạn vắt ngang qua đầu, đầu ngón trỏ với ra sau lưng, đầu ngón tay chạm đến đâu thì đấy là huyệt cần thiết có thể chích lể được.
Phế du là huyệt thuộc kinh Túc thái dương Bàng quang, nằm cách gai đốt sống lưng thứ 3 ngang ra hai bên 1,5 thốn (bằng 1/2 khoảng cách từ chính giữa cột sống đến bờ trong xương bả vai).
Theo y học cổ truyền, chắp lẹo là do nhiệt tà xâm phạm vào bì mao. Phế du là du huyệt của tạng Phế. Khi chích nặn máu, phế du có tác dụng thanh tiết nhiệt độc. Theo kinh nghiệm thực tiễn, có thể chỉ cần chích nặn máu huyệt phế du cùng bên với mắt bị bệnh là được.
Cách chích lể: Dùng kim tam lăng chích nhẹ vào huyệt, sau đó nặn ra chút máu. Nếu có điều kiện, có thể dùng bầu giác giác ngay trên huyệt sau khi đã chích lể. Đây là cách giác ướt, tức là giác để cho ra máu.
Chích lể huyệt nhĩ tiêm
Nhĩ tiêm là huyệt nằm ngay trên đỉnh vành tai. Khi xác định huyệt, lấy ngón tay ép cho vành tai gập lại, huyệt nằm ở đỉnh của vành tai. Dùng kim chích lể và nặn chút máu. Ở huyệt này, không áp dụng phương pháp giác trên huyệt được.
Giác ướt
Là phương pháp có thể áp dụng một cách dễ dàng. Trường hợp cần thiết có thể dùng cốc thủy tinh nhỏ để giác. Trước tiên, phải sát trùng vùng da cần giác, dùng kim tam lăng hoặc kim tiêm chích nhẹ vài điểm trên vùng huyệt phế du, tiếp đó tiến hành giác. Có thể chỉ cần giác một vài lần là đạt kết quả tốt.
Chú ý: Trước khi chích lể, phải dùng cồn hoặc dung dịch Betadine, iod sát trùng vùng da tại huyệt. Nếu không có các thuốc sát trùng nói trên, có thể dùng một nhánh tỏi cắt lát ngang xát lên huyệt để sát trùng. Trường hợp không có kim tam lăng, có thể dùng kim khâu, kim tiêm… để chích lể.
Nên chích lể, châm cứu sớm ngay khi chắp lẹo mới hình thành để đạt hiệu quả điều trị tốt, làm chắp lẹo tiêu nhanh. Trường hợp để muộn vẫn có thể áp dụng các phương pháp điều trị như trên. Tuy nhiên, nếu chắp lẹo đã thành mủ thì nên đến thầy thuốc hoặc cơ sở y tế để làm thủ thuật chích tháo mủ, nạo ổ viêm…
Không nên dùng chung kim để chích lể cho nhiều người nhằm tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm. Tốt nhất là dùng kim riêng cho từng người.
(Theo VnExpress)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét