Vảy nến là một bệnh da mạn tính, căn nguyên chưa sáng tỏ. Ngày nay người ta cho rằng vảy nến là bệnh da di truyền. Dưới tác động của các yếu tố như stress, nhiễm khuẩn, chấn thương cơ học, vật lý…, gene gây vảy nến được khởi động.
Tổn thương thường xuất hiện đầu tiên ở vùng da đầu và vùng bị tỳ đè, khu trú một vùng hoặc rải rác nhiều nơi, có khi khắp toàn thân, thường có tính chất đối xứng.
Tổn thương cơ bản của vảy nến là đỏ – vảy. Người bệnh thấy xuất hiện các đám mảng đỏ kích thước khác nhau, từ vài milimet đến vài centimet, có khi hàng chục centimet (các mảng lớn cố thủ ở một vài vị trí), giới hạn rõ, hơi gồ cao, nền cứng cộm. Có khi vảy trắng choán gần hết nền đỏ, chỉ còn lại viền đỏ xung quanh rộng hơn lớp vảy. Vảy màu trắng đục bóng như màu nến trắng. Vảy nhiều tầng, nhiều lớp, dễ bong, khi cạo vụn ra như bột trắng, như phấn, như vết nến rơi lả tả. Vảy tái tạo rất nhanh, bong lớp này thì lớp khác lại đùn lên, số lượng nhiều.
Người bệnh cảm thấy ngứa ít hoặc nhiều, thường ngứa nhiều ở giai đoạn đang tiến triển. Một số người bệnh không ngứa mà chỉ có cảm giác vướng víu, ảnh hưởng thẩm mỹ. Có thể gặp tổn thương móng, bản móng có hố lõm nhỏ, hay có các đường kẻ theo chiều dọc. Có khi móng dòn vụn, dày ở bờ, 10 móng cùng bị một lúc.
Vảy nến ở da đầu thường là các đám mảng đỏ, nền cộm, bề mặt phủ vảy trắng, thường mọc lấn ra trán thành một viền gọi là vành vảy nến. Tóc vẫn mọc xuyên qua tổn thương. Vùng sau tai đỏ, có vết nứt, có khi xuất tiết, dễ nhầm với viêm da đầu…
Bệnh tiến triển mạn tính, các đợt cao trào xen kẽ các đợt thuyên giảm. Vảy nến lành tính, bệnh nhân sống khỏe mạnh suốt đời, trừ một số thể nặng như vảy nến thể khớp, vảy nến đỏ da toàn thân.
Việc điều trị bệnh vảy nến còn nhiều nan giải. Rất nhiều loại thuốc, nhiều phương pháp được đưa ra song chưa có loại nào chữa bệnh khỏi hẳn, chỉ tạm đỡ, sau một thời gian lại tái phát. Điều trị bệnh này chủ yếu là “làm sạch” tổn thương nhanh chóng và kéo dài thời gian tái phát.
Khi bị mắc bệnh vảy nến, bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn cụ thể, dùng thuốc theo chỉ định, tránh những tác dụng phụ của thuốc. Bệnh nhân tránh căng thẳng thần kinh, sinh hoạt điều độ, hạn chế chất kích thích (rượu, cà phê…) và xác định tư tưởng “chung sống hòa bình” với bệnh.
BS Hồng Hạnh, Sức Khỏe & Đời Sống
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét