Polyp túi mật – Chung sống hòa bình hay cắt bỏ?
Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến mật, là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Đây là một bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ.
Polyp túi mật là thuật ngữ chuyên môn y học để mô tả các hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Các hình thái tổ chức có bản chất cấu trúc khác nhau, có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc không lành tính (ung thư). Polyp túi mật lành tính chiếm khoảng 92% các trường hợp, gồm có hai loại: u thật như adenome (u tuyến), leiomyome (u cơ), lipome (u mỡ)… u giả như cholesterol polyp (u cholesterol), andenomyomatosis (u cơ tuyến), viêm giả u… Polyp túi mật ác tính chiếm khoảng 8%, gồm có adenocarcinome (ung thư tuyến), mealanome (u sắc tố), di căn ung thư… Số lượng và kích thước của polyp túi mật cũng khá đa dạng, nhưng thường gặp nhất là có một polyp trong túi mật với kích thước nhỏ hơn 10 mm. Một số người có thể có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước polyp lên đến 20-40 mm, hay vừa có polyp vừa có sỏi túi mật. Tuy vậy trên thực tế, polyp túi mật chủ yếu gặp ở người trưởng thành, rất hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ polyp túi mật trong cộng đồng dao động từ 0,03% đến 9%. Nếu so với sỏi túi mật thì polyp túi mật ít gặp hơn sỏi túi mật, hay gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 30-50.
Yếu tố nào thuận lợi cho polyp túi mật xuất hiện?
Rất nhiều các yếu tố thuận lợi đối với việc hình thành polyp túi mật được quan tâm tìm hiểu như: chức năng gan mật, nồng độ đường máu, nồng độ mỡ máu, béo phì, thói quen ăn uống, nhiễm virut viêm gan…, nhưng trên thực tế chưa tìm thấy minh chứng cụ thể mối tương quan giữa các yếu tố đó với sự hình thành polyp túi mật. Đa phần các trường hợp polyp túi mật không có biểu hiện triệu chứng và được phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay đi khám vì các lý do khác. Chỉ khoảng 6-7% bệnh nhân polyp túi mật có biểu hiện triệu chứng, thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hay đau vùng trên rốn, một số ít có biểu hiện buồn nôn – nôn, ăn chậm tiêu và co cứng nhẹ vùng dưới sườn phải.
Triệu chứng thường gặp là đau ở dưới sườn giống như bệnh lý sỏi túi mật, nhưng khác với sỏi túi mật ở chỗ, polyp túi mật ít khi có biểu hiện cấp tính do viêm hay những biến chứng của sỏi gây ra như viêm đường mật, tắc mật. Vì vậy chẩn đoán chủ yếu dựa vào các thăm dò cận lâm sàng. Hiện nay với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán polyp túi mật. Trong các thăm dò chẩn đoán phổ biến trên thế giới nêu ở trên thì siêu âm vẫn là phương pháp được lựa chọn chính. Trên siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh tăng âm bám trên bề mặt túi mật, không có bóng cản và không thay đổi theo tư thế người bệnh, đây là dấu hiệu để phân biệt với sỏi túi mật. Mặc dù có độ nhạy và độ đặc hiệu khá cao, nhưng siêu âm không thể phân biệt được là polyp lành tính hay ác tính để có chỉ định điều trị phẫu thuật. Các phương pháp khác cũng được sử dụng như chụp cắt lớp vi tính, siêu âm nội soi nhưng độ đặc hiệu không cao nên còn đang được bàn cãi.
Khi nào cần điều trị polyp túi mật?
92% polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư), do vậy người bệnh không cần đến sự can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật, hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với polyp túi mật. Túi mật là một cấu thành của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do vậy không thể tùy tiện tiến hành cắt bỏ khi chưa có chỉ định. Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước thì polyp túi mật nếu xác định trên siêu âm có kích thước nhỏ hơn 10mm hầu hết lành tính.
Ngoài ra, những hình ảnh gợi ý tính chất ác khi thấy polyp có chân lan rộng, hình không đều đặn, phát triển nhanh. Khi đó phải chỉ định can thiệp phẫu thuật ngoại khoa để cắt bỏ túi mật. Do không thể có một thăm dò nào chẩn đoán chính xác bản chất của polyp túi mật nếu chưa có can thiệp phẫu thuật, vì vậy các tác giả thống nhất một phác đồ xử trí đối với polyp túi mật như sau:
Nếu nghi ngờ polyp túi mật phát hiện qua siêu âm mà bệnh nhân không có triệu chứng như đau sốt… thì nên kiểm tra lại sau 6 tháng hay một năm để khẳng định.
Nếu sau thời gian đó mà không còn hình ảnh của polyp thì không cần phải xử trí gì. Trường hợp hình ảnh polyp rõ, cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm 6 tháng nếu khối u lớn trên 10mm, hoặc có phát hiện các biểu hiện ác tính qua xét nghiệm máu, các thăm dò khác hoặc polyp đã có biểu hiện lâm sàng như đau sốt tái phát nên chỉ định phẫu thuật sớm.
Ngày nay với sự phát triển phẫu thuật nội soi, cắt túi mật nội soi là phẫu thuật ít xâm hại, ít đau và bệnh nhân hồi phục nhanh, ít biến chứng.
Theo ThS.Nguyễn Bạch Đằng – Sức khỏe đời sống
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét