Năm 2012 vừa qua chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các phần mềm độc hại trên di động đặc biệt là trên các thiết bị Android. Google đã phải nâng cấp hệ điều hành của mình lên phiên bản 4.2 với nhiều cải tiến về bảo mật, nhưng dường như những cập nhật này vẫn còn chưa đủ để bảo vệ người sử dụng trước thế giới đầy phức tạp của các ứng dụng miễn phí. Trước những mối đe dọa này người dùng smartphone thông minh cần phải biết tự bảo vệ mình khỏi những mối nguy cơ tiềm ẩn hàng ngày.
Bảo mật điện thoại thông minh không chỉ là chống lại những phần mềm gián điệp độc hại, ngăn chặn virus lây nhiễm trên điện thoại mà còn là việc bảo mật sự riêng tư, các tài khoản và tài liệu trên điện thoại trước con mắt tò mò của người khác. Sau đây chúng ta sẽ cùng nghiên cứu các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tốt nhất chiếc điện thoại của mình:
Bảo vệ điện thoại trước người lạ
Nguyên tắc 1: Không bao giờ để điện thoại tại những nơi công cộng.
Không chỉ có các phần mềm độc hại có khả năng đánh cắp thông tin của bạn. Các tài khoản ngân hàng, tài khoản email, các thông tin tài liệu trên điện thoại có thể dễ dàng đánh cắp nếu bạn để quên điện thoại tại những nơi có nhiều người như quán café, lớp học, công sở. Chỉ cần một vài phút không chú ý có thể sẽ làm bạn phải trả giá.
Nguyên tắc 2: Sử dụng màn hình khóa.
Màn hình khóa sẽ ngăn chặn những ánh mắt tò mò của người ngoài tới điện thoại của bạn. Các điện thoại Android ngày nay đều hỗ trợ màn hình khóa với nhiều kiểu bảo mật khác nhau cho điện thoại như khóa theo mô hình, khóa vân tay, mật khẩu bảo vệ… Để cài đặt màn hình khóa cho điện thoại vào Setting > Seccurity và cài đặt kiểu khóa màn hình mong muốn.
Nguyên tắc 3: Tạo số PIN để bảo vệ tài khoản Google Play.
Một mã PIN cho việc mua bán trên Google Play là rất cần thiết. Mã Pin sẽ tránh cho bạn những tổn thất không đáng có do bị người lạ hoặc trẻ em sử dụng điện thoại khi mua các ứng dụng trên Play Store. Để thiết lập mã PIN cho tài khoản của mình truy cập Google Play chọn Cài đặt > Đặt hoặc thay đổi mã PIN và chọn sử dụng mã PIN cho các giao dịch trên Play Store.
Nguyên tắc 4: Luôn cài đặt ứng dụng chống trộm cho điện thoại.
Bạn không thể đảm bảo luôn luôn giữ điện thoại bên mình không quên hoặc đánh mất ở đâu đó. Một ứng dụng giúp xác định vị trí điện thoại là vô cùng cần thiết giúp bạn có thể nhanh chóng tìm lại chiếc điện thoại của mình. Các ứng dụng phổ biến có thể sử dụng là Where’s my android hoặc tùy chọn chống trộm trên một số phần mềm antivirus như avast! Mobile Security.
Phần mềm độc hại
Nguyên tắc 5: Không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc từ bên thứ 3.
Các hacker thường cung cấp những phần mềm dưới dạng file cài đặt miễn phí, thậm chí những ứng dụng trả phí trên Play Store được bẻ khóa và cung cấp cho người sử dụng. Họ thường cài những phần mềm độc hại vào trong các bản cài đặt này và cung cấp cho người dùng. Khi đó bạn tưởng đã có thể tiếc kiệm được một khoản chi phí mua bản quyền nhưng thực ra lại đánh mất các thông tin quan trọng thậm chí số tài khoản. Theo nghiên cứu có trên 99% các phần mềm độc hại trên Android lây lan qua các trang web ứng dụng của bên thứ 3. Hãy luôn cài đặt và sử dụng ứng dụng ở các địa chỉ uy tín như Google Play Store hay Amazon Appstore.
Nguyên tắc 6: Luôn đọc các ý kiến của người sử dụng về ứng dụng trước khi cài.
Không sử dụng các ứng dụng có nhiều tai tiếng hoặc có nghi ngờ. Đọc các bài review về ứng dụng trước khi quyết định cài đặt cho điện thoại của mình.
Nguyên tắc 7: Kiểm tra kỹ các quyền truy cập của ứng dụng, không sử dụng các ứng dụng có yêu cầu truy cập hệ thống hoặc yêu cầu gửi tin nhắn, gọi điện…
Nguyên tắc 8: Không nhấn vào các liên kết không tin cậy trên email hoặc các tin nhắn. Các phần mềm độc hại lây truyền qua các trang web ngày càng phổ biến, chúng thường gửi các mã độc về điện thoại và thu thập các thông tin bạn nhập vào hàng ngày cho hacker.
Nguyên tắc 9: Sử dụng các phần mềm Anti virus, anti malware.
Bạn không thể đảm bảo 100% không bao giờ nhiễm virus, các phần mềm anti virus là rất cần thiết để bảo vệ điện thoại. Có rất nhiều sự lựa chọn từ các hãng phần mềm uy tín như Kaspersky Mobile Security, avast! Mobile Security (free), NQ Mobile Security & Antivirus (free).
Rooting Android:
Nguyên tắc 10: Không Root điện thoại trừ khi thực sự cần thiết.
Các phiên bản ROM, phần mềm yêu cầu root và các tùy biến cho điện thoại là những cám rỗ khó chối từ với người sử dụng Android. Để thực hiện những điều này đều yêu cầu bạn phải root máy, nhưng việc này sẽ làm phá vỡ mô hình an ninh của Android. Với quyền root các phần mềm độc hại có thể truy cập vào các thành phần hệ thống của android gây hại đối với điện thoại của bạn.
Mã hóa
Nguyên tắc 11: Nếu điện thoại của bạn có những dữ liệu quan trọng cần được bảo vệ hãy sử dụng mã hóa. Bằng cách mã hóa thiết bị của bạn tất cả các dữ liệu bao gồm tài khoản Google, dữ liệu ứng dụng, hình ảnh, video, nhạc v.v đều không thể tiếp cận mà không có mật khẩu hoặc số PIN. Mỗi khi khởi động điện thoại bạn đều cần phải có số PIN hoặc mật khẩu để giải mã nó.
Nguyên tắc 12: Sử dụng VPN trên các kết nối wifi không đảm bảo.
Các hacker có thể lợi dụng các mạng sử dụng chung để đánh cắp mật khẩu và các thông tin quan trọng của bạn. Khi phải truy cập mạng ở một điểm wifi không đảm bảo nên sử dụng mạng riêng ảo VPN để đảm bảo an toàn cho kết nối của mình.
Kết luận:
Thế giới kết nối ngày càng phức tạp, các thông tin trên điện thoại ngày càng trở nên quan trọng. Bằng cách tự bảo vệ mình trước các nguy cơ hàng ngày sẽ giúp bạn luôn an toàn. Bạn không cần thiết phải áp dụng hết 12 nguyên tắc bảo mật cho điện thoại của mình. Tùy vào từng trường hợp cụ thể và yêu cầu bảo mật mà có những biện pháp bảo vệ tốt nhất.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét