Phân tích bài thơ "Mộ" (Chiều tối) của Hồ Chí Minh
I . ĐẶT VẤN ĐỀ .
Một con người yêu đời, say mê với cuộc sống bao giờ cũng nhạy cảm với thời gian . Đối với Hồ Chí Minh , thời gian là nhịp điệu của vũ trụ, của cuộc sống con người . Trong Nhật kí trong tù, Bác có nhiều bài thơ viết về thời gian và sự vận động của hiện thực , trong đó Chiều tối là bài thơ hay hơn cả . Nó không chỉ diễn tả sự lưu chuyển của thời gian trong cảm nhận của Bác mà còn thể hiện được dòng tâm trạng của thi nhân trước bước đi của thời gian và trong nhịp sống của cuộc đời .
II . GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ .
Chiều tối là bài thơ thứ 31 trong tập thơ Nhật kí trong tù, ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên đường bị giải đi qua hết nhà lao này đến nhà lao khác . Trên con đường chuyển lao ấy, một ngày kia, Người chợt nhận thấy cánh chim chiều .
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Hai câu thơ tái hiện không gian và thời gian của buổi chiều tối nơi núi rừng . Lúc ấy người đi ngước mắt nhìn lên bầu trời và chợt thấy chim bay về tổ, mây chầm chậm trôi . Nhà thơ không trực tiếp nói về thời gian nhưng thời gian vẫn hiện về qua cảnh vật . Đây là cách cảm nhận thời gian mang tính truyền thống đã từng in đậm trong nhiều bài thơ . Chim bay về tổ có ý nghĩa báo hiệu thời gian của buổi chiều tối . Ta bắt gặp trong ca dao hình ảnh:
Chim bay về núi tối rồi
đến Truyện Kiều của Nguyễn Du cánh chim mang theo cả thời gian và tâm trạng:
Chim hôm thoi thót về rừng
rồi buổi chiều nghiêng nghiêng xuống theo đôi cánh chim bé nhỏ trong “Tràng giang” của Huy Cận :
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
hay trong “Độc tọa Kính Đình sơn” (Một mình ngồi trên núi Kính Đình) của Lí Bạch :
Chim bầy vút bay hết
Mây lẻ đi một mình
Hình ảnh thơ của Lí Bạch và của Bác có nét tương đồng, nhưng thơ của Lí Bạch sắc thái thời gian hiện lên không rõ nét thì hai câu thơ của Bác vừa có ý nghĩa chỉ thời gian, vừa nhuốm đầy tâm trạng .
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Ở đây không phải chim bay trong trạng thái bình thường mà là bay mỏi, bay mải miết cho kịp tới chốn ngủ nơi rừng xanh quen thuộc . Cánh chim mỏi mệt hay nhà thơ mỏi mệt lê bước trên chặng đường đi đày giờ đây không biết đâu là chốn dừng chân ? Sự tương đồng ấy dễ tạo nên sự cảm thông sâu sắc giữa người với cảnh .
Câu thơ thứ hai tiếp tục phác họa không gian, thời gian và tâm trạng:
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Câu thơ dịch chưa lột tả hết ý nghĩa của nguyên tác . Cô vân là chòm mây cô đơn, lẻ loi ; mạn mạn độ là trôi lững lờ, chậm chạp mang dáng vẻ trì hoãn . Chòm mây như có tâm hồn, như mang tâm trạng . Nó cô lẻ và lặng lẽ lững lờ trôi giữa không gian bao la rộng lớn của trời chiều . Bầu trời có chim có mây nhưng mây cô đơn, chim mệt mỏi, đã thế lại đang trong trạng thái chia lìa: Chim bay về rừng, chòm mây cô đơn ở lại . Hai câu thơ tả cảnh mà mở ra cả một không gian tâm trạng . Cảnh buồn, người buồn . Nhưng trong nỗi buồn trước cảnh chiều muộn còn có một khát vọng tự do ẩn kín trong đôi mắt dõi nhìn theo cánh chim lẫn mây giữa bầu trời cao rộng .
Nếu như hai dòng thơ đầu đã nói tới cánh chim mệt mỏi, chòm mây cô đơn thì hai câu thơ sau đã hiện lên một “chốn ngủ” cho con người .
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Trong bản dịch, người dịch đã đưa vào chữ ‘tối’ quá lộ liễu . Trong thi pháp thơ cổ chỉ muốn người đọc tự cảm nhận chiều tối phủ xuống mà không cần một sự thông báo trực tiếp nào . Điều đó làm lộ tứ thơ . Trong nghệ thuật thơ ca, nhà thơ có thể lấy xa để nói cao, lấy động để nói tĩnh, dùng sáng để nói tối . Trong chiều tối, Bác không hề nói đến tối mà người đọc vãn cảm nhận thấy bóng tối đang buông xuống xóm núi là nhờ có chữ “hồng” ở cuối bài thơ . Trời tối , người đi mới nhìn thấy ánh lửa hồng rực lên như thế .
Cũng như nhiều bài thơ khác của Bác, hình tượng thơ trong bài thơ vận động thật khỏe khoắn và bất ngờ . Trong cảnh chiều muộn của miền sơn cước tưởng chỉ có bóng tối hoàng hôn bao phủ, chỉ có heo hút quạnh hiu, nào ngờ đâu ánh sáng ấm áp đã rực lên xua tan giá lạnh và bóng tối . Sự xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động , bên lò than rực hồng đã mang lại ánh sáng và niềm vui, mang lại sự sống mãnh liệt và ấm áp . Mặc dù thời gian vận động từ chiều đến tối, từ ngày sang đêm nhưng hình tượng thơ vẫn vận động theo xu thế phát triển .
Khi bóng tối của ngày tàn buông xuống nhưng không gian không hề tăm tối , con người đã kịp thắp lên ngọn lửa, con người đã kịp tạo nên ánh sáng, tạo nên hơi ấm để sưởi ấm cho con người và cảnh vật . Ánh sáng, hơi ấm, con người đã đưa lại niềm vui bình dị cho người tù nhân xa xứ . Trong cảnh ngộ của riêng mình, Bác vẫn tìm thấy niềm vui . Niềm vui ấy xuất phát từ cuộc sống lao động của người dân Trung Hoa ở một xóm núi nào đó trên đất Quảng Tây . Nếu như không có tình người tha thiết thì làm sao Bác có được một niềm vui như thế giữa đất người xa lạ .
III . KẾT THÚC VẤN ĐỀ .
Bài thơ Chiều tối không chỉ miêu tả cảnh chiều nơi núi rừng miền sơn cước với làn mây, cánh chim và cuộc sống lao động của con người . Toát lên toàn bộ bài thơ là hình tượng nhân vật trữ tình có tấm lòng yêu thương rộng lớn luôn luôn nâng niu trân trọng mọi sự sống trên đời, có tâm hồn lạc quan luôn hướng về tương lai và ánh sáng .
(KĐH - Sưu tầm)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét