Đứng về mặt chăm sóc dinh dưỡng, có thể tạm phân chia các bệnh lý đường tiết niệu ra làm hai nhóm chính, là nhóm bệnh lý đường tiết niệu không có hay chưa có suy thận và nhóm đã có suy thận. Đối với bệnh đường tiết niệu không có suy thận, chế độ dinh dưỡng là chế độ dinh dưỡng bình thường kết hợp với việc điều trị tích cực bệnh căn (như điều trị nhiễm trùng, giải phóng sự tắc nghẽn, phục hồi lưu lượng máu đến thận...) để tránh tiến triển đến suy thận.
Đối với những bệnh đường tiết niệu đã có suy thận, dinh dưỡng là một trong những vấn đề quan trọng nhất của điều trị nhằm giảm thiểu các rối loạn do suy thận gây ra cho cơ thể đồng thời làm chậm quá trình tiến triển của suy thận, trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần thiết để duy trì tình trạng dinh dưỡng bình thường và tránh thoái biến đạm nội sinh. Tùy vào mức độ suy thận, bệnh nhân được chỉ định các chế độ ăn khác nhau, tuy nhiên nguyên tắc chung trong các chế độ ăn áp dụng cho bệnh nhân có suy thận là chế độ ăn giảm đạm, hạn chế một số khoáng chất như natri, kali, phosphat, magiê..., bổ sung đủ canxi, có thể kèm theo hạn chế nước trong một số trường hợp cần thiết.
Chế độ ăn giảm chất đạm có tác dụng làm giảm urê máu, giảm tốc độ suy thận, giảm tình trạng loạn dưỡng xương, giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, viêm thần kinh ngoại vi, ngứa, sẩn da... trong hội chứng tăng urê máu mãn tính. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần giảm đạm trong chế độ ăn mà chỉ cần giảm đạm trong trường hợp có tình trạng suy thận mất bù. Các trường hợp suy thận còn bù bệnh nhân có thể ăn chế độ ăn đạm bình thường tức 1g đạm/kg thể trọng/ngày. Lượng đạm này được cung cấp 50% từ các thực phẩm ngũ cốc như gạo, bún, mì... (1 chén cơm thường cung cấp khoảng 4,6-5g đạm), 50% còn lại cung cấp qua các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa... Khi có hiện tượng suy thận mất bù nhẹ (độ thanh lọc cầu thận 10-40ml/phút) lượng đạm trong khẩu phần giảm xuống còn 0,6g/kg/ngày. Nếu suy thận mất bù trung bình (độ thanh lọc cầu thận giảm xuống 0,3g/kg/ngày. Khi thận suy hoàn toàn, bệnh nhân có chỉ định chạy thận nhân tạo, lượng đạm khẩu phần trở về bình thường. Một điều quan trọng cần chú ý là trong khi giảm đạm, năng lượng cung cấp vẫn phải đảm bảo đủ theo nhu cầu để tránh tình trạng thoái biến đạm nội sinh. Năng lượng được cung cấp từ chất béo chiếm khoảng 30-35% năng lượng khẩu phần trong đó lưu ý hạn chế các thực phẩm chứa chất béo no và nhiều cholesterol như da, phủ tạng động vật, dầu dừa... Phần năng lượng còn lại được cung cấp từ chất bột đường (khoảng 60-65%).
Với hầu hết các bệnh nhân bệnh lý đường niệu có suy thận, chế độ ăn cần hạn chế muối. Lượng muối trung bình trong khẩu phần vào khoảng 2-3g/ngày. Nhìn chung, có 3 mức độ giảm lượng Na trong khẩu phần ăn tùy vào mức độ suy thận:
- Không chấm thêm nước chấm, nước sốt, muối tiêu, muối ớt... trên bàn ăn, không ăn các thức ăn muối mặn như cà muối, mắm...
- Không nên thêm muối trong thức ăn, tránh các loại thức ăn chế biến nhiều muối như bơ mặn, bánh mỳ, khoai tây chiên, đồ hộp, trái cây khô...
- Tránh những loại thực phẩm có hàm lượng Na cao như tôm cua, sò, trứng...
Bột ngọt (mì chính) thực chất cũng là muối sodium, vì vậy không nên thêm bột ngọt trong thức ăn của bệnh nhân.
Chế độ ăn nhiều kali (K) trên bệnh nhân đã có suy giảm chức năng thận thường thúc đẩy sự tiến triển của các biến chứng có liên quan đến tim mạch, vì vậy nên hạn chế các loại thực phẩm giàu K như trái cây khô, chuối, thơm, nước khoáng...
Một vấn đề dinh dưỡng thường gặp ở bệnh nhân suy thận là sự mất cân bằng tỷ lệ canxi - phốt pho, đưa đến tình trạng loãng xương. Chế độ ăn cần hạn chế tối đa các thực phẩm giàu phốt pho như các loại đậu hạt, pho mát, sôcôla, nấm, phủ tạng động vật. Lượng canxi trong khẩu phần nên duy trì trung bình 1000mg/ngày.
Trong suy thận, tình trạng thiếu máu rất thường gặp tuy nhiên nguyên nhân là do giảm kích tố tạo hồng cầu Erythropoietine chứ không có tình trạng giảm các nguyên liệu tạo hồng cầu vì vậy không cần tập trung vào việc tăng sắt hay acide Folic trong khẩu phần.
Hạn chế nước trong khẩu phần thường chỉ được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân phù nặng, có tình trạng hạ Na/máu do pha loãng, bệnh nhân có suy tim hoặc tăng huyết áp.
BS.Đào Thị Yến Phi
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét