Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hoá được biết từ rất lâu. Bệnh đã được Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 1994 định nghĩa là “bệnh biểu hiện bằng tình trạng tăng nồng độ đường trong máu và rối loạn chuyển hoá glucid, lipid, protid, thường kết hợp với giảm tuyệt đối hay tương đối về tác dụng hay sự tiết insulin của tuỵ”. Các rối loạn nói trên có thể khiến người bệnh bị các biến chứng cấp tính như hôn mê, rối loạn chuyển hóa, dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn nặng và về lâu dài, bệnh gây ra các biến chứng ở mạch máu lớn và mạch máu nhỏ vì vậy ảnh hưởng tới hầu như tất cả các bộ phận trong cơ thể.
Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân ĐTĐ có xu hướng gia tăng mạnh. Năm 1995, trên toàn thế giới có 118,4 triệu người mắc bệnh thì dự kiến đến năm 2010 con số này sẽ tăng lên 221 triệu người, tức là tăng 87%. Khu vực có tỷ lệ tăng mạnh nhất là châu Á và châu Phi. Th eo ước tính ở châu Á vào năm 1995 có 62,8 triệu người bị bệnh, dự báo đến năm 2010, con số này sẽ lên tới 132,3 triệu tức là tăng 111%. Tại Việt Nam, mặc dù các thống kê chưa thật đầy đủ, song các điều tra bước đầu cũng cho thấy các con số báo động: điều tra vào năm 1991 tại một số vùng lân cận Hà Nội tỷ lệ ĐTĐ vào khoảng 1% tại Huế là 0,9%. Điều tra cơ bản năm 1992 tại một số quận nội thành thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ ĐTĐ khoảng 2,52%. Tới các cuộc điều tra mới đây tại một số vùng miền Bắc và Nam Việt Nam cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đã tăng tới con số 3-5%.
Phân loại Bệnh ĐTĐ thường được chia thành 2 loại chính: loại 1 hay còn gọi là bệnh ĐTĐ phụ thuộc insulin thường gặp ở người trẻ và được coi như một bệnh tự miễn dịch, bệnh thường có tính chất di truyền. Tuỵ của các bệnh nhân này mất dần khả năng tiết insulin nên người bệnh cần phải dùng insulin để tránh bị tình trạng đường huyết tăng quá cao và để duy trì cuộc sống. Tuy vậy, bệnh chỉ gặp ở một tỷ lệ < 5% trong cộng đồng người bị ĐTĐ. Hầu hết các người bệnh ĐTĐ thuộc loại 2 hay còn gọi là ĐTĐ không phụ thuộc insulin. Mặc dù tuỵ của các bệnh nhân này vẫn còn khả năng tiết insulin song lượng hormon được tiết ra được coi là không đủ để đáp ứng nhu cầu chuyển hoá hay do có các điều kiện đặc biệt khiến tác dụng của insulin trở nên “yếu hơn” tác dụng nó cần phải có để duy trì một sự ổn định chuyển hoá trong cơ thể. Th eo thống kê về tình hình chăm sóc bệnh nhân ĐTĐ tại Việt Nam và 11 quốc gia châu Á khác vào năm 1998, tại Việt Nam tỷ lệ ĐTĐ typ 2 là 91,8% và chỉ có 7,3% bệnh nhân bị ĐTĐ typ 1.
Đại dịch toàn cầu ĐTĐ hiện được coi là một vấn đề sức khoẻ toàn cầu và có thể nói đây là một đại dịch mà con người luôn phải đối phó. Điều này hoàn toàn đúng khi xem xét về cả phương diện số người đã đang và sẽ bị bệnh cũng như biến chứng mà người bị bệnh có thể gặp. Th eo các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh, một điều dễ thấy là mức nồng độ đường trong máu để chẩn đoán bệnh ngay càng có xu hướng hạ xuống. Điều này là hệ quả của các hiểu biết ngày một tốt hơn về bệnh. Có nghĩa là mức nồng độ đường trong máu được xác nhận để chẩn đoán bệnh ĐTĐ sẽ xuất phát từ các kết quả nghiên cứu xác nhận ở mức nồng độ đường này sẽ đặt người bị vào nguy cơ xuất hiện các biến chứng của bệnh; và cũng từ quan điểm đó các thầy thuốc đưa ra khái niệm về vùng đường trong máu “nguy hiểm” hay đặt bệnh nhân và tình trạng “nguy hiểm” và các lời khuyên người bệnh các biện pháp để tránh khỏi vùng “nguy hiểm” này để có được một sức khoẻ an toàn hơn.
Biến chứng nguy hiểm Các nghiên cứu y học đã chứng minh là bệnh ĐTĐ có những vùng đường huyết nguy hiểm. Đó là khi đường huyết của người bệnh tăng quá cao (180 mg/dl) hay hạ quá thấp (<60 mg/dl). Đường huyết tăng cao, ngay cả khi người bệnh hoàn toàn cảm thấy bình thường, thực tế lúc đó bệnh nhân đã ở trong vùng “nguy hiểm” do nó có thể làm tổn thương nhiều bộ phận trong cơ thể như tim mạch, mắt và thận. ĐTĐ là nguyên nhân chính gây mù và suy thận giai đoạn cuối cần phải được lọc máu hay ghép thận ở các bệnh nhân người lớn ở các nước phát triển. Đây là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây cắt cụt chi do tắc mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy cứ 10 bệnh nhân bị ĐTĐ có tới 8 người bị mắc bệnh tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim...); nguy cơ bị tai biến mạch não ở người ĐTĐ được ước tính cao gấp 4-6 lần so với người cùng độ tuổi song không bị bệnh. Đó cũng là các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân ĐTĐ. Không chỉ có người đã được xác nhận bị bệnh ĐTĐ bị các biến chứng này, mà cả những người bị bệnh song chưa được phát hiện cũng chịu chung số phận này. Với mức độ tăng nhanh của các biến chứng mạn tính, đặc biệt là các biến chứng mạch lớn (như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi), cũng như các biến chứng suy thận như vậy, các chi phí để điều trị cho những BN này cũng tăng lên một cách ghê gớm. Mặc dù với các chi phí tốn kém nhưng nhiều người bệnh vẫn không có một cuộc sống hoàn toàn bình thường như ý muốn, mà vẫn phải chấp nhận tàn phế như bán thân bất toại, cắt cụt chi hoặc đôi khi phải sống nhờ vào chạy thận chu kỳ.
Tại sao người bệnh ĐTĐ lại có những biến chứng đáng sợ đến như vậy? Đây là câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng các nhà khoa học đã thật vất vả để có được câu trả lời. Chúng ta hãy thử hình dung với một phân tử đường trông rất “hiền lành” nếu như chúng vừa đủ để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ở những bệnh nhân ĐTĐ, khi các phân tử đường bị tích tụ nhiều trong máu chúng sẽ trở thành đáng sợ. Chúng hoàn toàn bị biến đổi và có tác động nguy hại tới các cơ quan trong cơ thể chúng ta. Các phân tử đường sau khi bị biến đổi sẽ âm thầm gặm nhấm hàng ngày hàng giờ tới các mô liên kết, các mạch máu, cũng như các tế bào thần kinh mà không hề có triệu chứng báo trước, vì vậy khi người bệnh chợt nhận thấy mình có biểu hiện của các biến chứng thì đã là quá muộn.!!!
Kiểm soát đường huyết để dự phòng biến chứng Chính vì vậy, một câu hỏi mà hầu hết những BN luôn đặt ra đối với các bác sĩ chuyên khoa đó là ở mức đường huyết bao nhiêu sẽ không bị biến chứng? Liệu với mức đường huyết lúc đói là 8; 9; 10 mmol/l có được coi là ổn định hay không? Với những câu hỏi tương tự như vậy, các nghiên cứu gần đây đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho bác sĩ cũng như những bệnh nhân ĐTĐ. Các nhà khoa học đã nhấn mạnh mức đường huyết lúc đói càng gần mức bình thường bao nhiêu càng hạn chế được các biến chứng mạn tính bấy nhiêu, đặc biệt là các biến chứng mạch máu. Nhiều nghiên cứu tại Mỹ nhận thấy khi đường huyết đói > 6,2 mmol/l cũng đã bắt đầu có tổn thương lớp nội mạc mạch máu. Bên cạnh đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn tăng cao cũng là mối đe dọa đối với các bệnh nhân ĐTĐ. Ngay cả khi đường huyết lúc đói bình thường nhưng đường huyết sau các bữa ăn vượt quá 9,0 mmol/l cũng làm tăng cao nguy cơ biến chứng mạch máu.
Điều mà các thầy thuốc nghiên cứu bệnh ĐTĐ nhấn mạnh là không phải chỉ có người có biểu hiện triệu chứng mới là người bị bệnh mà vấn đề chính là làm thế nào để phát hiện sớm bệnh và giáo dục cộng đồng ý thức phát hiện bệnh sớm mới hy vọng ngăn ngừa được biến chứng do bệnh gây ra. Một trong các trở ngại chính trong công tác điều trị bệnh ĐTĐ hiện nay là người bệnh thường chủ quan, không tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế. Rất nhiều người bệnh ĐTĐ nói rằng họ vẫn cảm thấy bình thường sau khi đi khám bệnh hay kiểm tra sức khoẻ được thầy thuốc chẩn đoán bị tăng nồng độ đường trong máu hay bị bệnh ĐTĐ. Người bệnh có thể sống hoàn toàn như những người khoẻ mạnh khác nhiều năm với một mức nồng độ đường trong máu rất cao mà không hề biết là căn bệnh đang gặm nhấm và làm tổn thương nhiều bộ phận trong cơ thể của mình đến khi biến chứng xuất hiện Một lối sống quá ít hoạt động thể lực, rượu, thuốc lá, và chế độ ăn không hợp lý là các kẻ thù gián tiếp góp phần cùng với nồng độ đường trong máu “nguy hiểm” giết hại dần người bệnh, tới khi kẻ thủ phạm lộ mặt, người bệnh đã bị các tổn thất không thể cứu vãn như mù loà, suy thận giai đoạn cuối, phải cắt cụt chi hay bán thân bất toại và thậm chí các đột tử do nhồi máu cơ tim. Tuy vậy, người bị mắc bệnh ĐTĐ không hoàn toàn hết hy vọng sau khi có các kết quả từ các nghiên cứu lớn đã được tiến hành ở Anh (UKPDS); Nhật (Kumamoto); Mỹ cho thấy có thể làm giảm đáng kể hay làm chậm trễ xuất hiện các biến chứng do bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh và giảm chi phi chăm sóc y tế nếu bệnh nhân ĐTĐ được kiểm soát “chặt chẽ” tình trạng tăng đường huyết của họ để giữ được mức nồng độ đường huyết càng gần mức bình thường càng tốt.
Th eo Hiệp hội ĐTĐ Mỹ 2010, đối với đa số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, vùng đường huyết an toàn là: nồng độ đường huyết trước ăn từ 70– 130 mg/dL (3.9–7.2 mmol/l) và nồng độ đường huyết sau khi ăn 2 giờ là dưới 180mg/dl (10mmol/l). Mục đích này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu người bệnh tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa và tự theo dõi nồng độ đường huyết của mình hàng ngày tại nhà bằng các máy đo nồng độ đường huyết cá nhân. Các kết quả theo dõi đường huyết bằng máy cá nhân làm tại nhà sẽ giúp người bệnh và bác sĩ đánh giá được hiệu quả của quá trình kiểm soát bệnh và dựa vào kết quả này, bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định điều chỉnh phác đồ điều trị sao cho đạt hiệu quả nhất.
Duy trì nồng độ đường huyết trong vùng đường huyết an toàn, không những sẽ giúp các bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển các biến chứng của bệnh ĐTĐ mà còn giảm được các chi phí điều trị do biến chứng gây ra.
TS. Diệu Vân - PGS. TS. Đạt Anh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét