[caption id="attachment_2186" align="alignright" width="300" caption="Ảnh minh họa"]
[/caption]
Lưng là chỉ toàn bộ phần lưng ngực đến thắt lưng; nhưng trên 70% bệnh nhân bị đau là vùng thắt lưng. Đau lưng phần lớn liên quan đến cột sống nên ta ôn lại: Cột sống gồm 7 đốt sống cổ (C1 – C7, C là chữ viết Cou: cổ); 12 đốt sống lưng (D1 – D12, D là chữ viết Dos: lưng); 5 đốt sống thắt lưng (L1 – L5, L là chữ viết Lombaire); 5 đốt sống cùng cụt (S1 – S5, S là chữ viết Sarcum). Viết lại như vậy để mọi người khi cầm tấm phim chụp của mình, ta hiểu thầy thuốc định nói đoạn nào của cột sống. Giữa 2 đốt sống có đĩa đệm để cột sống vận động được dễ. Trong mỗi đốt sống có tủy sống. Tủy sống cho ra các đôi dây thần kinh tương ứng với từng vùng để thực hiện 2 chức năng là:
- Tiếp nhận cảm giác từ ngoài da (cảm giác áp lực, cảm giác sờ, nóng lạnh, cảm giác đau, tê).
- Điều khiển vận động của khối cơ vùng tương ứng (gọi là điều khiển theo tiết đoạn thần kinh).
Bên cạnh cột sống có chuỗi hạch thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Thần kinh giao cảm và phó giao cảm điều khiển hoạt động các cơ quan, tổ chức trái chiều nhau, thí dụ: Thần kinh giao cảm làm tăng tiết mồ hôi, làm tim co bóp nhanh, ruột co bóp nhanh; còn thần kinh phó giao cảm ngược lại, điều khiển để giảm tiết mồ hôi, giảm nhịp tim, giảm co bóp của ruột. Hai thần kinh này bình thường phối hợp với nhau để các cơ quan hoạt động, thí dụ: Tiết mồ hôi vừa phải, tùy lúc cơ thể nóng hay lạnh; nhịp tim đập từ 60 đến 70 lần/phút… Khi cơ thể hoạt động mạnh, thần kinh giao cảm sẽ hoạt động mạnh để cơ thể thích nghi với môi trường. Nếu ở trạng thái nghỉ, thần kinh phó giao cảm sẽ tăng cường hoạt động để các cơ quan cũng được nghỉ. Hệ thống thần kinh này gọi là thần kinh thực vật. Như vậy đau lưng là bệnh có nhiều triệu chứng kèm theo như: rối loạn cảm giác nóng lạnh, cảm giác bỏng rát ở một vùng, ở bàn chân… Cảm giác hồi hộp tim đập nhanh, cảm giác tê bì; có thể giảm hay hạn chế vận động một vùng…
Nguyên nhân gây bệnh lý cột sống:
- Dị tật từ bào thai (tiên thiên)
- Khi còn nhỏ, tư thế ngồi, lao động lệch vẹo.
- Khi lớn lao động nặng nhọc, khiêng vác nặng, làm việc ở tư thế không lợi như vặn mình kéo dài. Một số nghề đặc biệt như thể thao, xiếc…
- Do sinh hoạt quá mức “đa dâm bại thận”.
Ăn quá nhiều chất nhờn béo, giúp cơ thể tăng cân. Trọng lượng cơ thể tăng cũng góp phần đè ép lên cột sống, nhất là vùng thắt lưng, gây đau lưng khó chữa.
Phòng bệnh là phòng tránh các nguyên nhân kể trên, cần chú ý giúp các cháu ngồi học đúng tư thế, kích thước bàn ghế cần thích hợp cho từng độ tuổi, khi lao động nặng hay khiêng vác nặng xin đừng khinh xuất. Lao động ở tư thế lệch vẹo người dễ làm thoát vị đĩa đệm; từ thoát vị đĩa đệm cột sống thoái hóa, sinh gai, sinh hẹp khe, càng nhiều tuổi người bệnh hay bị còng. Nên khi mới bị bệnh cần chữa tích cực, đúng phương pháp cũng là cách phòng bệnh cho lâu dài.
Các đốt sống có thể dính lại làm hạn chế vận động, tiến tới mất vận động ở một vùng. Đó là bệnh viêm dính cột sống – nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa, đây là bệnh nan giải. Thể thao tốt cho toàn thân và tăng dinh dưỡng ở cột sống, đó là cách phòng bệnh tích cực. Điều trị bệnh cột sống Đông y có hai phương pháp: Không dùng thuốc và dung thuốc. Không dùng thuốc đó là: xoa bóp, châm cứu, luyện tập có hướng dẫn, kéo dãn bằng tay hay bằng máy. Dùng thuốc chữa bệnh cột sống có hai loại, 1 là các kinh nghiệm dân gian từng vùng: như dùng các loại lá, loại củ hơ nóng đắp tại chỗ như ngải cứu, cúc tần, là lốt… hay các loại củ đun uống như ráy sơn thục, địa liền, huyết giác, kê huyết đằng… Thầy thuốc dùng biện chứng luận trị, nghĩa là sau khi khám căn cứ vào triệu chứng để chẩn đoán bệnh thuộc thể loại nào mà xây dựng bài thuốc. Trên cơ sở bài lục vị bổ thận, có thể thêm các vị thuốc hoạt huyết giảm đau, hay khu phong giảm đau, hay thêm đương quy, bạch thược để bổ thận, bổ huyết.
Để chữa đau vùng đốt sống cổ lan tới lưng ngực có thể dùng bài: xuyên khung 12g, bạch chỉ 12g, khương hoạt 12g, phòng phong 12g, cát căn 20g, quế chi 10g, bạch thược 10g, cam thảo 6g sắc uống.
Để chữa đau vùng thắt lưng, lan xuống hông, chân có thể dùng bài: thục địa 16g, hoài sơn 12g, sơn thù 8g, đan bì 6g, bạch linh 6g, trạch tả 6g, độc hoạt 12g, đỗ trọng 20g, xê huyết đằng 12g, phòng phong 12g, quế chi 12g sắc uống. n
GS.TS. Dương Trọng Hiếu (http://bantinsuckhoe.com)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét