Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện ở Hà Nội liên tục tiếp nhận các ca sốt xuất huyết nặng, riêng Xanh Pôn mỗi ngày có khoảng 5-10 ca mới nhập. Trong lúc đó, bệnh nhân đau mắt đỏ cũng có xu hướng tăng mạnh tại Bệnh viện Mắt trung ương.
Thấy người lên cơn sốt rét mấy ngày liền, chị Giang (Hàng Bè, Hà Nội) đi khám thì được chẩn đoán là sốt virus và cho truyền nước nhưng không đỡ. Sau, đến bệnh viện Xanh Pôn khám, chị mới biết mình bị sốt xuất huyết và điều trị hơn tuần chưa khỏi. Cùng lúc đó, cô em chồng chị cũng bị bệnh này.
Đang nằm điều trị tại khoa Nội 2, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cùng chị Giang là mấy chú cháu anh Trần Văn Út ở phố Tạ Hiền, Hà Nội. Anh Út cho biết, sau đợt mưa lũ, nhà anh bị ngập khá sâu rất ẩm ướt. Người mắc bệnh đầu tiên là cô con gái 16 tuổi của anh, sau đó lần lượt đến anh họ nó (ở cùng nhà) và anh.
Bác sĩ Bùi Nguyên Kiểm, trưởng khoa nội 2, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát rất mạnh và nặng hơn các năm trước do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử hai tuần trước. Theo ông, số người bệnh năm nay tăng gấp đôi so với cùng thời điểm này các năm trước.
Bác sĩ Kiểm cho biết, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Bình thường, hằng năm, cứ vào mùa mưa nhất là từ tháng 7 đến tháng 11 đều có dịch này. Tuy nhiên, những ngày gần đây, bệnh viện Xanh Pôn liên tục tiếp nhận các ca nhập viện do bệnh sốt xuất huyết nặng.
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, người có dưới 100.000 tiểu cầu thì coi là bị sốt xuất huyết, trong khi ở bệnh viện Xanh Pôn có tới hơn 10 ca có lượng tiểu cầu dưới 50.000. "Điều này rất nguy hiểm bởi khi ấy người bệnh rất dễ tử vong do máu khó đông, nhất là khi xảy ra biến chứng chảy máu không cầm lại được", bác sĩ Kiểm nói.
Điều đáng chú ý là trong đợt dịch lần này bệnh nhân chủ yếu là thanh thiếu niên, trên dưới 20 tuổi, do chủ quan, không mắc màn ngủ lại chưa có kháng thể với bệnh. Đa số người bệnh ở vùng nội thành, thuộc các khu ẩm thấp. Có nhiều gia đình cả nhà 4, 5 người đều mắc.
Theo bác sĩ Kiểm, ở giai đoạn đầu của bệnh, sốt xuất huyết rất dễ nhầm với các bệnh sốt do virus vì nó không có biểu hiện đặc biệt mà người bệnh cũng chỉ sốt, mệt mỏi li bì. Vì thế, ngay cả bác sĩ thăm khám khi đó cũng khó xác định bệnh. Chỉ giai đoạn sau, khi lượng tiểu cầu giảm xuống hay xuất hiện những chấm xuất huyết dưới da thì người bệnh mới biết. Vì thế, nhiều người nhập viện trong tình trạng bệnh đã rất nặng vì trước đó nhầm là mình bị cảm sốt thông thường, tự uống thuốc hay nghĩ là sốt virus, chỉ truyền nước.
Theo bác sĩ, trong thời điểm dịch đang bùng phát mạnh như hiện nay, chỉ cần bị sốt cao, trên 39 độ, người dân cần đến bệnh viện khám và xét nghiệm máu ngay, xét nghiệm hằng ngày để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Ngoài ra, để phòng bệnh, mọi người cần diệt muỗi, chống bị muỗi đốt, kể cả vào ban ngày.
Tại một số đơn vị khác như Bệnh viện Bạch Mai và Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới cho biết, số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết cũng khá đông.
Trong khi đó, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) cũng đang có dấu hiệu bùng phát. Hiện, mỗi ngày Bệnh viện mắt Trung ương tiếp nhận 50-60 ca có triệu chứng liên quan.
Chiều 17/11, rất nhiều người đến khám liên quan đến bệnh đau mắt đỏ với các triệu chứng như mắt sưng đỏ, cộm, xốn, chảy nước mắt...
Theo bác sĩ Lê Xuân Cung, Phó trưởng khoa kết - giác mạc, mặc dù chưa xuất hiện dịch nhưng điều kiện vệ sinh không đảm bảo sau mưa lũ đang tạo thuận lợi cho bệnh này phát triển. Chưa có thống kê chính thức nhưng khoảng hai tuần nay, số người đến khám bệnh đau mắt đỏ tăng rất nhiều so với trước.
"Tháng 11 là thời điểm thuận lợi để bệnh đau mắt đỏ phát sinh, phát triển. Sau mưa lũ, điều kiện vệ sinh không đảm bảo càng tăng nguy cơ", bác sĩ Cung nói.
Khám bệnh đau mắt đỏ tại khoa kết - giác mạc Bệnh viện mắt Trung ương. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Theo bác sĩ Cung, bệnh viêm kết mạc cấp nếu được phát hiện và điều trị đúng sẽ nhanh khỏi, không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, điều trị không đúng cách, rất dễ dẫn đến biến chứng viêm, loét giác mạc.
Theo các bác sĩ, để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, người dân nên chú ý giữ vệ sinh cá nhân, không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt. Người có bệnh tuyệt đối phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh lây lan ra cộng đồng.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các trung tâm y tế, các bệnh viện có chuyên khoa mắt trên địa bàn Hà Nội, trong 2 tuần qua đã có hàng nghìn bệnh nhân bị các bệnh về mắt đến khám. Trong đó có hơn 500 ca được xác định là đau mắt đỏ.
1.500 cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh các loại, trong đó có một triệu lọ thuốc nhỏ mắt đã được gửi tới các vùng bị ngập lụt nặng như Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Thạch Thất... để phát miễn phí cho người dân.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Quảng cáo:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét