Từ hôm nay, toàn bộ các em gái 11 tuổi hoặc nữ sinh lớp 6 ở huyện Quan Hoá và Nông Cống tỉnh Thanh Hoá sẽ được tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung; tiếp đó, ngày 13/11 là tại quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ ở thành phố Cần Thơ.
Đây là đợt tiêm ngừa đầu tiên trên diện rộng loại văcxin này cho trẻ em. Đợt tiêm phòng này thuộc giai đoạn hai của dự án “Văcxin HPV: Bằng chứng về tác động”, được tiến hành tại Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện, với sự tài trợ của tổ chức PATH
Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Ước tính, năm 2002, có trên 6.000 trường hợp mới phát hiện và trên 3.300 trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, hai địa phương trên được chọn do đáp ứng các tiêu chí về mức độ bệnh, về địa lý, về điều kiện kinh tế xã hội, dân số...
Văcxin được sử dụng đợt này là Gardasil, tiêm bắp, bao gồm 3 mũi tiêm: mũi thứ hai cách mũi đầu 2 tháng, mũi 3 cách mũi đầu 6 tháng. Theo những thử nghiệm, loại văcxin này cho hiệu quả bảo vệ cao, và dự tính tạo ra khả năng miễn dịch trong nhiều năm.
Do văcxin có hiệu quả bảo vệ cao nhất ở những người chưa nhiễm virus HPV nên nó được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em gái trước khi có quan hệ tình dục. Trong dự án này, các em được tiêm văcxin miễn phí.
Tới nay, nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là một loại virus gây u nhú (Human Papilloma Virus: HPV).
Có hơn 100 típ HPV khác nhau, trong đó hơn 30 típ là lây truyền qua đường tình dục. Hầu hết những người nhiễm HPV không có triệu chứng và tự khỏi. Do đó đa số họ không biết được tình trạng nhiễm HPV của mình và có thể làm lây truyền sang cho bạn tình. Có khoảng 8 típ HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết văcxin không có tác dụng bảo vệ chống lại 100% các chủng virus HPV gây ung thư cổ tử cung (mà chỉ một số loại trong đó) cũng như không có tác dụng điều trị những tổn thương do đã nhiễm HPV từ trước. Do đó, việc thường xuyên sàng lọc để chẩn đoán và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung do nhiều chủng HPV khác nhau gây ra vẫn rất cần thiết.
Kết quả của dự án này sẽ cung cấp bằng chứng khoa học và kinh nghiệm thực tế cho việc đưa văcxin HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét