Bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện xảy ra nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Phía Nam chiếm 80-85% số mắc bệnh. Hôm qua 26-8, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM trong tổng số 126 bệnh nhi (gồm nhiều loại bệnh) đang nằm điều trị nội trú, có đến 80 bệnh nhi mắc SXH.
Tại phòng bệnh nặng của khoa nhiễm hầu hết đều là trẻ mắc bệnh SXH, khiến các y, bác sĩ tại đây luôn tất bật. Theo các bác sĩ của khoa, phần lớn trẻ mắc bệnh từ 5-10 tuổi, 1/3 số bệnh nhi SXH được chuyển đến từ các tỉnh, số đông trẻ mắc bệnh độ II, có 14 bệnh nhi ở mức độ nặng (SXH độ III, độ IV).
Nằm trong phòng bệnh nặng có một bệnh nhi tên Nguyễn Phương Huy (6 tháng tuổi, nhà ở Q.9, TP.HCM). Bác sĩ Trần Thị Thúy (phó khoa nhiễm) cho chúng tôi biết cháu Huy vừa được các bác sĩ cứu sống trong gang tấc vì bé vào viện trong tình trạng bị sốc do SXH độ IV rất nặng. "Một bệnh nhi khác cũng bị SXH vào viện trong tình trạng rất nặng là Nguyễn Phụng Tiên, 8 tháng tuổi, cùng ngụ ở Q.9, TP.HCM cũng vừa được cứu sống, mới xuất viện sáng nay 26-8" - bác sĩ Thúy cho biết thêm.
Gần đây, một số gia đình đã thuê dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đặng Thị Kim Hạnh, thư ký Chương trình phòng chống SXH TP Hà Nội, thì: "Từ trứng đến muỗi trưởng thành là bảy ngày. Việc phun hóa chất trong gia đình có thể diệt được muỗi trưởng thành, nhưng không diệt được trứng muỗi vằn. Trong vòng 7-10 ngày sau phun, muỗi trưởng thành mới xuất hiện và lại trở thành vectơ truyền bệnh. Trong khi đó, gia đình thấy muỗi chết sau khi phun hóa chất sẽ dẫn đến chủ quan, không ngủ màn và không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng SXH, vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, diệt bọ gậy được coi là giải pháp hiệu quả, triệt tận gốc nguồn truyền bệnh SXH. Việc phun hóa chất nếu không đúng nồng độ, lạm dụng có thể gây hại cho sức khỏe và có thể dẫn đến kháng hóa chất đối với vectơ truyền bệnh, giảm hiệu quả trong phòng dịch".
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM đã có trên 6.000 ca mắc SXH, hiện bình quân mỗi tuần có 370-380 ca mắc SXH vào khám tại các bệnh viện.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, giám đốc bệnh viện, cho biết: "Hiện 40 giường bệnh thuộc khoa SXH của bệnh viện đã kín chỗ. Từ ngày 1 đến 22-8, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận 165 ca SXH, tăng hơn so với trước đây. 30% số bệnh nhân ngụ tại tỉnh Cần Thơ, số còn lại đến từ các tỉnh lân cận".
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ, thông tin hiện nay ở địa phương có khá nhiều bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên bị dịch bệnh SXH tấn công. Còn theo bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau: "Trong tháng 7-2008 địa phương đã công bố dịch SXH tại các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Năm Căn và thành phố Cà Mau".
Tại Hà Nội, tính đến ngày 21-8, có 222 bệnh nhân mắc SXH.
Một số vùng ở Hà Nội có mật độ muỗi truyền bệnh SXH cao như: Tân Triều (Thanh Trì), Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), Định Công (Hoàng Mai), Xuân Đỉnh (Từ Liêm).
Theo Bộ Y tế, trong tháng 8 có 39 địa phương ghi nhận bệnh nhân mắc SXH với tổng số mắc/chết là 13.976/9. Tổng hợp số mắc/chết trên cả nước từ đầu năm đến nay là 36.894/33. Số mắc SXH của các tỉnh miền Nam chiếm 80-85% của cả nước; trong đó TP.HCM dẫn đầu khu vực (với 6.176 ca mắc), kế đến là Cà Mau (4.082), Sóc Trăng (3.332), Tiền Giang (2.474), Đồng Nai (2.116), Bến Tre (1.887), Bình Phước (1.616), Kiên Giang (1.594), Bạc Liêu (1.572)...
Tập trung phòng chống bệnh
Hôm qua 26-8, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cùng các chuyên gia dịch tễ của Viện Pasteur (TP.HCM) đã đi kiểm tra dịch SXH tại tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Theo ông Nguyễn Sinh Nam, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, một số tỉnh có số mắc cao trong năm nay là Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước. Tại Bình Phước, có huyện số bệnh nhân là người lớn chiếm hơn 50%, trong khi đó những năm trước tỉ lệ này chỉ khoảng 20-30%.
Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, trưởng phòng nghiệp vụ y - Sở Y tế TP.HCM, trong những tuần qua ngành y tế TP.HCM cật lực phòng chống bệnh SXH, nhờ đó kìm hãm được số lượng mắc dao động từ 370-380 ca SXH/tuần, nếu không con số còn cao hơn nữa.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ nói: "TP Cần Thơ và các tỉnh đang khuyến khích hộ dân nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng. Tỉnh Bến Tre trong bảy tháng qua đã cấp trên 50.000 con cá bảy màu cho những nơi có SXH. SXH đang tiếp tục đe dọa các tỉnh thành phía Nam bởi sự thay đổi của type gây bệnh D2 và D1.
Năm nay được dự báo là thời điểm của chu kỳ dịch SXH. Do vậy, từ nay cho đến khi dứt hết mưa mọi sự chủ động phòng tránh SXH từ hộ dân đến toàn cộng đồng là điều phải được quan tâm thường xuyên".
(Vndoc.com - theo thanh niên)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét